Giải pháp giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ 3-4 tuổi
Lượt xem:
Để đào tạo ra một thế hệ mầm non tài giỏi, tự tin, tự lập với sự phát triển toàn diện về nhân cách thì trước tiên trẻ cần phải có những kiến thức, kỹ năng cơ bản từ dễ đến khó phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về cái tôi và nhu cầu tự khẳng định giá trị bản thân, trẻ thích bắt chước và muốn làm mọi thứ như người lớn nhưng nhu cầu lại mâu thuẫn với khả năng còn nhiều hạn chế của trẻ nên người lớn chúng ta cần phải quan sát, tìm hiểu và “giao việc” phù hợp cho trẻ để thoã mãn nhu cầu được công nhận năng lực của trẻ vừa hình thành và rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ ngay giai đoạn vàng đầu tuổi mẫu giáo. Nếu có những biện pháp tác động đúng lúc và phù hợp, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả giáo dục tối ưu nhất cho trẻ, hình thành kỹ năng tự phục vụ chính là tiền đề quyết định đến khả năng tự lập, tự tin để thành công trong cuộc sống sau này của trẻ. Vì thế, tôi chọn đề tài: “Một số giải pháp giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ 3-4 tuổi ở lớp mầm trường Mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, năm học 2022-2023” để tìm và áp dụng các giải pháp tác động giúp trẻ hình thành kỹ năng tự phục vụ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong công tác nuôi dạy trẻ tại đơn vị.
* Ưu điểm:
Trường được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, các thiết bị đồ dùng đồ chơi đa dạng phong phú, môi trường hoạt động học tập và vui chơi đảm bảo khoa học, phù hợp và hấp dẫn trẻ.
Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường được đảm bảo đầy đủ về số lượng và chất lượng với trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, hết sức tận tâm, yêu nghề, mến trẻ.
Bản thân là giáo viên nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, có phong cách sư phạm tốt, có tinh thần học hỏi bồi dưỡng thường xuyên.
Đa số trẻ trẻ phát triển rất tốt về thể chất và tinh thần, phát triển đồng đều các mục tiêu theo độ tuổi.
* Hạn chế:
Bản thân đôi khi chưa nắm bắt và ứng dụng kịp thời các phương pháp giáo dục đổi mới, hiện đại.
Khâu thiết kế xây dựng môi trường chưa tạo điều kiện để trẻ làm trung tâm.
Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống còn mang nặng tính lý thuyết, trẻ chưa có điều kiện thực hành luyện tập nhất là kỹ năng tự phục vụ.
Giáo viên chưa linh hoạt lồng ghép kỹ năng tự phục vụ vào chế độ sinh hoạt trong trường mầm non.
Trẻ còn nhiều hạn chế về kỹ năng tự phục vụ, thụ động, ỷ lại vào người lớn, chưa có hứng thú thực hiện tốt các kỹ năng tự phục vụ.
Một số phụ huynh nuông chiều con, làm giúp con mọi việc chưa hiểu vai trò của việc giáo dục sớm kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mới giúp trẻ “trưởng thành” và độc lập trong cuộc sống.
2.Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
– Mục đích của giải pháp: Tìm ra các giải pháp hữu hiệu để hình thành và rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ 3-4 tuổi ở lớp mầm tại đơn vị. Giúp trẻ phát triển lĩnh vực tình cảm và kỹ năng xã hội, phát huy tính tự lập, tự tin trong cuộc sống.
Giúp bản thân rèn luyện học tập, tìm kiếm và áp dụng các biện pháp giáo dục linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm của trẻ.
Nâng cao ý thức cho phụ huynh về vai trò của việc giáo dục sớm các kỹ năng cơ bản cần thiết ảnh hưởng đến sự phát triển và tính tự lập của trẻ.
– Nội dung giải pháp:
Giải pháp 1: Bản thân tự bồi dưỡng nắm bắt các phương pháp giáo dục đổi mới, hiện đại.
Ngày nay, chương trình giáo dục mầm non luôn đổi mới với nhiều chuyên đề và phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại nên để bản thân không lạc hậu thì tôi đã chủ động học hỏi, tìm kiếm và bồi dưỡng cho mình những kiến thức, kỹ năng cũng như cập nhật xu hướng giảng dạy đổi mới từ các giáo trình, sách báo, tài liệu tập huấn chuyên môn, mạng internet,… để tự bồi dưỡng cho mình thường xuyên để lựa chọn và áp dụng những cách dạy mới hiệu quả, dễ tiếp thu và phù hợp với trẻ của mình. Các phương pháp giáo dục hiện đại hiện nay như: Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giáo dục trẻ theo hướng trải nghiệm (montessori), giáo dục stem và steam,… và các chuyên đề quan trọng như giáo dục các kỹ năng sống để phát triển tình cảm – kỹ năng xã hội cho trẻ, “tôi yêu Việt Nam”,… từ đó, tôi định hướng được các phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của trẻ tại đơn vị.
Giải pháp 2: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm chính là phương pháp giáo dục hiện hành đang được thực hiện ở các cơ sở giáo dục mầm non đề cao vai trò của người học làm chủ đạo. Nhưng để phương pháp này thực hiện có hiệu quả thì việc xây dựng thiết kế môi trường khoa học, hấp dẫn mới phát huy tính tích cực của trẻ. Trẻ mẫu giáo 3-4 tuổi có đặc điểm tư duy trực quan hình ảnh nên việc xây dựng một môi trường vật chất với đầy đủ, đa dạng các đồ dùng, đồ chơi, học liệu là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, trong lớp đến ngoài lớp tôi trang bị đồ dùng vệ sinh cá nhân, đồ dùng học tập, đồ dùng đồ chơi thật đầy đủ và ngăn nắp, các góc chơi theo hướng mở để giúp trẻ hoạt động một cách chủ động và sáng tạo mọi lúc mọi nơi.
Giải pháp 3: Tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng tự phục vụ theo hướng thực hành trải nghiệm.
Đối với trẻ mẫu giáo thì hoạt động trải nghiệm thực hành là biện pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả để hiện thực hoá lý thuyết mà trẻ vừa được học và thực hành nó vào trong thực tiễn. Vì vậy, sau khi lập kế hoạch và xây dựng môi trường phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ tôi tiến hành tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống theo hướng trải nghiệm, đầu tiên là kỹ năng tự phục vụ (kỹ năng vệ sinh cá nhân, sắp xếp bày cất đồ chơi đúng nơi quy định, tự lập trong vệ sinh, ăn, ngủ, giữ vệ sinh môi trường sống,..). Các bước để tiến hành một hoạt động kỹ năng sống theo hướng trải nghiệm được thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định chủ đề/ đề tài khám phá trải nghiệm và mục tiêu (Ví dụ: Chủ đề “bản thân” đề tài “vệ sinh đánh răng”)
Bước 2: Trải nghiệm thực tế. (Gây hứng thú, hướng dẫn và cho trẻ thực hành kỹ năng đánh răng)
Bước 3: Hoạt động chia sẽ và rút ra kinh nghiệm/bài học và liên hệ thực tiễn. (Giáo viên đặt câu hỏi cho trẻ chia sẽ kinh nghiệm và giúp trẻ rút ra kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn).
Bước 4: Kết thúc.
Giải pháp 4: Luyện tập củng cố các kỹ năng tự phục vụ qua chế độ sinh hoạt trong trường mầm non.
Trẻ mẫu giáo bé có đặc điểm chóng nhớ mau quên nên để hình thành một kỹ năng nào đó cũng đều cần phải có chế độ luyện tập, củng cố thường xuyên thì trẻ mới có có hội rèn luyện tốt các kỹ năng đã được học. Vì thế, tôi đặc biệt chú trọng lồng ghép kỹ năng tự phục vụ của trẻ vào các hoạt động ở trường mầm non theo trình tự thời gian “một ngày ở lớp của bé” như sau:
* Hoạt động đón – trả trẻ: Ngay từ đầu năm, tôi đã đưa ra một số quy định về việc thực hiện nề nếp lớp học và thống nhất cho trẻ thực hành. Khi đến lớp các con sẽ tự bỏ giày dép ngay ngắn lên kệ, cởi áo khoác, nón, cặp bỏ vào ô cửa tủ có dán hình của mình rôi mới vào lớp. Hành động này được tôi khuyến khích và quan sát trẻ thực hiện, nếu có trẻ chưa làm tốt tôi sẽ nhắc nhở trẻ sửa tại chỗ để rèn thói quen ngăn nắp gọn gàng cho trẻ.
* Hoạt động học: Kỹ năng tự phục vụ cũng được tôi linh hoạt lồng ghép vào tất cả các tiết học các môn để giúp trẻ có tâm thế chủ động, tự lực trong học tập phát huy vai trò làm trung tâm của trẻ. Ví dụ như: Trong tiết học thể dục hay tạo hình tôi cho trẻ tự đi lấy cất vòng thể dục, đồ chơi vận động, đồ dùng hay nguyên liệu tạo hình về chỗ ngồi, tự kê bàn sâp xếp chỗ ngồi ngay ngắn, trật tự theo nhóm/tổ và các tiết học khác cũng tương tự.
* Hoạt động vui chơi: Hoạt động chơi tôi dạy trẻ quy tắc lấy cất đồ dùng đồ chơi đúng chỗ, gọn gàng và tự dọn dẹp đồ chơi khi hết giờ chơi. Ngoài ra, tôi thường xuyên tổ chức làm đồ dùng đồ chơi theo chủ đề cùng trẻ và tận dụng các nguyên liệu phế thải, có sẵn để cho trẻ tham gia vào quá trình làm đồ chơi tự phục vụ các trò chơi của trẻ giúp trẻ tăng hứng thú và trân trọng sản phẩm đồ chơi do mình làm ra.
* Hoạt động ngoài trời: Ở hoạt động này, tôi cho trẻ tham gia lao động nhặt lá, nhặt rác sân trường để giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp. Ngoài ra, tôi còn cho trẻ tự tay chăm sóc vườn rau của lớp (nhổ cỏ, tưới cây, nhặt lá khô,…) để trẻ biết trân trọng sản phẩm lao động của người nông dân, hiểu được giá trị dinh dưỡng của các loại rau, củ…
* Hoạt động ăn – ngủ – vệ sinh: Tôi khuyến khích trẻ tự kê bàn ghế, lấy dụng cụ đựng thức ăn bày sẵn ra bàn để cô chia xuất ăn cho trẻ rồi sau đó cho trẻ ngồi vào ghế ăn. Khi ăn xong các con cũng được tôi hướng dẫn bỏ dụng cụ đựng thức ăn vào chậu đúng vị trí cho cô tiện dọn dẹp, tôi khuyến khích các con tự xúc cơm ăn và ăn hết xuất, không mè nheo, không ỷ lại hay chờ cô đúc cơm. Những ngày đầu tuy trẻ ăn chậm nhưng những ngày sau trẻ quen và tự lập hơn trong ăn uống. Sau khi ăn trẻ tự đi rửa mặt, rửa tay, lau mặt, lau tay và phơi 2 khăn lên kệ rồi tự lấy gối nệm bày ra vào góc ngủ theo quy định và tôi kéo rèm, đóng cửa giữ yên tĩnh cho trẻ ngủ.
Giải pháp 5: Sử dụng phương pháp khen ngợi và phê bình đúng lúc.
Trẻ lên 3 có nhu cầu được công nhận giá trị của bản thân và bắt đầu hình “cái tôi” nên nếu cô giáo biết tận dụng tâm lý này để khen ngợi đúng lúc và phê bình lúc sai thì sẽ giúp trẻ hình thành và phát huy được sự tự lập qua các kỹ năng tự phục vụ ở trường mầm non. Cụ thể, khi trẻ cố gắng hoàn thành một công việc tự phục vụ một cách tự giác và chủ động còn nhắc nhở rủ các bạn khác cùng thực hiện, luôn nhớ lời cô dạy và các quy tắc nề nếp của lớp như một “lớp trưởng” gương mẫu thì tôi sẽ nêu gương khen ngợi các trẻ này vào cuối tuần khi cắm cờ bé ngoan trong tuần để tuyên truyền khuyến khích các bạn khác học hỏi. Ngược lại, khi quan sát thấy trẻ nào có hành vi chưa đúng, còn ỷ lại và trông chờ bạn và cô không biết tự phục vụ cho mình tôi sẽ phê bình khéo léo cho trẻ nhận ra cái chưa được của mình để trẻ sửa chửa bằng những câu như: “hôm nay, bạn Mimi chơi rất giỏi ở góc chơi đóng vai nhưng mà giá như Mimi dọn dẹp đồ chơi nhanh chóng và ngăn nắp hơn thì bạn Mimi sẽ được cô và các bạn thích chơi cùng hơn nữa đấy, lần sai Mimi cố gắng dọn dẹp đồ chơi cho gọn gàng thì cô mới cho mượn đồ chơi chơi nữa nha”.
Giải pháp 6: Tuyên truyền phối hợp với phụ huynh.
Để tăng hiệu quả giáo dục rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho trẻ thì việc phối hợp thống nhất các nội dung, phương pháp giáo dục là rất quan trọng. Không thể để “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” được vì vậy, tôi tuyên truyền và đề nghị phối hợp với phụ huynh để thống nhất một số nội dung và phương pháp giáo dục trẻ thông qua các cách sau:
– Thông qua giờ đón – trả trẻ: Tôi tranh thủ trao đổi với phụ huynh về nội dung kỹ năng tự phục vụ ở hiện tại mà tôi đang dạy cho trẻ ở lớp và đề xuất phụ huynh chủ động kết hợp để tăng tính hiệu quả lâu dài cho trẻ.
– Thông qua các cuộc họp phụ huynh: Tôi trao đổi một số các vấn đề về tầm quan trọng của việc rèn luyện các kỹ năng cho trẻ ngay từ đầu tuổi mẫu giáo để làm tiền đề cho các giai đoạn sau này và nhấn mạnh đây chính là lúc quan trọng để phụ huynh phối hợp với cô cùng thực hiện mới mang lại sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
– Thông qua bảng tuyên truyền: Tôi thường xuyên cập nhật thông tin, hình ảnh, lịch dạy đặc biệt là nội dung giáo dục kỹ năng sống và vai trò ý nghĩa của nó đối với trẻ cho phụ huynh theo dõi, nắm bắt để phối hợp nhịp nhàng với cô giáo.
– Thông qua zalo, điện thoại: Tôi sưu tầm hoặc tự quay video thực hiện các kỹ năng sống nhất là kỹ năng tự phục vụ gởi vào nhóm zalo cho phụ huynh cùng xem với trẻ để giúp cô hướng dẫn trẻ những thao tác vệ sinh hoặc giao những việc phù hợp với khả năng của trẻ khi ở nhà để thống nhất các nội dung biện pháp với cô giáo.