Giải pháp giáo dục tình yêu biển đảo thông qua các hoạt động cho trẻ 5 – 6 tuổi
Lượt xem:
* Tình trạng giải pháp đã biết:
– Như chúng ta đã biết đất nước ta đang sống có rất nhiều điều kỳ diệu, từ những điều kỳ diệu ấy có thể giúp cho chúng ta thêm yêu đất nước quê hương mình. Với tôi từ khi được sinh ra và lớn lên, tôi đã luôn ý thức được rằng, đất nước mình đang sống là một đất nước tươi đẹp. Đặc biệt hơn đất nước ta lại có những bờ biển dài và thơ mộng, từ những bờ biển ấy đã đem lại cho con người Việt Nam biết bao sự thay da đổi thịt, từ nguồn tài nguyên khoáng sản mà biển mang lại, đã làm giàu đẹp thêm cho quê hương đất nước mình, vì vậy trong tôi càng dậy lên tình quê hương yêu biển vô tận.
– Chính vì lẽ đó trong tôi luôn muốn tất cả mọi người cần phải hiểu và ý thức được những đều mà biển đã mang lại với chúng ta. Con người phải làm gì để bảo vệ và gìn giữ những thứ mà thiên nhiên đã ban tặng. Có thể trong mỗi chúng ta, vẫn còn có một số ít người vẫn chưa thật sự quan tâm về đều này. Vì thế trong tôi luôn mong muốn tất cả mọi người, cần phải hiểu và ý thức được những đều mà biển đã mang lại với chúng ta. Chúng ta phải làm gì để bảo vệ và gìn giữ những tài nguyên mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Và tôi luôn suy nghĩ phải làm thế nào để có thể giúp cho tất cả mọi người ai ai cũng nhìn thấy những đều ấy.
– Bản thân là một giáo viên mầm non, với vốn kiến thức nhỏ nhoi tôi biết mình không thể làm được điều đó với tất cả mọi người và tôi quyết định đem vốn kiến thức ít ỏi của mình để dạy lại cho thế hệ tương lai. Tôi nghĩ sớm vun đắp cho các bé tình yêu quê hương đất nước yêu biển đảo, là một việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
– Qua thời gian thực hiện giáo dục tình yêu biển đảo cho trẻ 5 -6 tuổi trong lớp tôi nhận thấy có nhiều ưu điểm và nhược điểm như sau:
Ưu điểm:
Được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo nhà trường trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Thông qua các tiết dạy lồng ghép chuyên đề biển, hải đảo. Lớp học được trang bị đồ dùng dạy học, đồ chơi bổ sung cơ bản đã đầy đủ, rất thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động trên lớp cũng như các hoạt động ngoài trời. Nhà trường có kết nối internet nên giáo viên dể dàng cập thông tin xã hội đặc biệt là thông tin về biển đảo Việt Nam, tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận thông tin mới nhất.
Đa số trẻ đã qua các lớp mẫu giáo nhỡ nên trẻ rất ham thích đến trường vì được vui chơi, học tập trực quan với các đồ dùng sinh động, sáng tạo góp phần tạo thuận lợi cho việc giáo dục tình yêu biển đảo cho trẻ ngày một tốt hơn. Phần lớn là sự quan tâm và kết hợp chặt chẽ của phụ huynh trong việc chăm sóc giáo dục trẻ trong nhà trường, giúp cho giáo viên có cơ hội thường xuyên trao đổi với phụ huynh nên việc dạy và học của trẻ tốt hơn.
Hạn chế:
Vẫn còn một số trẻ chưa qua lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, do đó trẻ chưa quen với nề nếp học tập và khả năng hợp tác cũng như địa hình cư trú của trường cách xa biển đảo nên trẻ chưa được tiếp xúc thực tế, chỉ xem qua tranh ảnh. Tài liệu về biển đảo cho trẻ mầm non còn nhiều hạn chế.
Một số phụ huynh giao phó việc giảng dạy, chăm sóc, giáo dục con em mình cho giáo viên nên chưa thực sự quan tâm đến việc học, giáo dục trẻ trong gia đình.
Nhiều gia đình phụ huynh còn khó khăn không có điều kiện cho trẻ tiếp xúc với công nghệ thông tin, kiềm chế sự khám phá của trẻ.
Khảo sát dạy trẻ tìm hiểu về biển đảo đầu năm của lớp tôi:
STT | Nội dung | Số lượng | Tỉ lệ |
1 | Khái niệm cơ bản về biển và hải đảo | 5/23 | 21.7% |
2 | Nhận biết nguồn tài nguyên biển | 7/23 | 30.4% |
3 | Nhận biết sự vất vả của chú bộ đội hải quân khi làm nhiệm vụ | 8/23 | 34.8% |
4 | Nhận biết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam | 5/23 | 21.7% |
Sự cần thiết đề xuất, chon giải pháp khắc phục:
Việc giáo dục tình yêu biển đảo cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ không chỉ giúp trẻ đơn thuần có được kiến thức về biển đảo mà còn giúp trẻ có được một tình yêu với quê hương, một niền tin vững chắc về chủ quyền biển đảo của dân tộc.
Trong tình hình căng thẳng về biển đảo như hiện nay, mỗi người dân Việt Nam cần nắm vững những kiến thức về biển đảo để không bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc về chủ quyền biển đảo của nước ta.
Trẻ em cũng cẩn phải biết được chủ quyền biển đảo của nước ta ngay từ khi còn nhỏ để giúp trẻ có được những định đúng đắng, tạo một nền tản tốt từ ban đầu.
* Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
– Mục đích của giải pháp: Giải pháp giáo dục tình yêu biển đảo thông qua các hoạt động cho trẻ 5 – 6 tuổi trong trường Mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang.
– Nội dung giải pháp:
Giải pháp 1: Công tác chuẩn bị hình thành khái niệm về biển và hải đảo
Muốn trẻ có ý thức hiểu vể biển, hải đảo thì đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị mô hình cho trẻ quan sát hoặc đoạn video, hình ảnh về biển và hải đảo, chuẩn bị chu đáo các dụng cụ để giúp trẻ quan sát hiểu rõ hơn về biển, hải đảo, các dụng cụ phải thu hút và vừa tầm với trẻ, đảm bảo an toàn với trẻ. Thường xuyên tìm tòi sáng tạo những phương pháp mới nhằm gây hứng thú cho trẻ để trẻ có ý thức về tình yêu biển đảo. Cho trẻ xem tranh ảnh, một đoạn phim ngắn về một số cảnh biển đẹp ở nước ta như biển Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… và một số đảo quen thuộc như đảo Lý Sơn, đảo Thổ Chu, đảo Nam Du…Trao đổi, trò chuyện với trẻ về lợi ích của biển cũng như của các đảo và quần đảo ở nước ta cung cấp muối, dầu khí, thủy hải sản, vận chuyển hàng hóa, hành khách… Đặt vấn đề và các câu hỏi gợi mở như: Đảo là gì? Vì sao gọi là quần đảo? Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của ai? Ai sẽ làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo?…
Giải pháp 2: Dạy trẻ thói quen kỹ năng và nề nếp tốt trong việc hình thành khái niệm về biển và hải đảo:
Đây là việc rất cần thiết vì khi trẻ đã có nề nếp và các kĩ năng cơ bản, giáo viên sẽ thuận tiện hơn trong việc giáo dục hình thành khái niệm về biển và hải đảo cho trẻ và trẻ cũng tự tin tham gia vào các hoạt động cùng cô. Vì vậy ngay từ đầu năm học tôi đã rèn cho trẻ thói quen nề nếp tốt khi tham gia hoạt động hình thành khái niệm về biển đảo, đặc biệt là vào việc rèn luyện kỷ năng quan sát và trò chuyện cùng cô… bằng những hình ảnh quen thuộc để cháu quen và đi vào nề nếp một cách dễ dàng… nghe và làm đúng hiệu lệnh của cô, cất dọn đồ dùng, đồ chơi ngăn nắp sau khi sử dụng. Tôi dùng nhiều lời khuyến khích nhẹ nhàng, động viên trẻ kịp thời, tạo điều kiện cho trẻ tự hoạt động, kích thích sự sáng tạo của trẻ trong các giờ hoạt động.
Giải pháp 3: Tạo môi trường học tập thuận lợi để phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của trẻ :
Tạo điều kiện để trẻ thường xuyên tiếp xúc với môi trường xung quanh và các hoạt động ngoài trời, ngoại khóa để hình thành các biểu tượng phong phú về biển và hải đảo cho trẻ, tạo cơ hội để trẻ khám phá biển và hải đảo một cách chân thật nhất để trẻ tự diễn đạt nhận thức cảm xúc của mình về đối tượng, giúp trẻ tự tin thể hiện điều mình muốn nói, muốn thực hiện. Thông qua các hoạt động dạy trẻ biết bảo vệ nguồn tài nguyên biển đảo, nhận ra những hành vi tốt và hành vi chưa tốt trong đời sống hàng ngày, kính trọng các chú bộ đội hải quân và trên hết là tình yêu dành cho quê hương, đất nước.
Giải pháp 4: Tích hợp nội dung giáo dục biển đảo cho trẻ vào các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ.
Nội dung hoạt động giáo dục biển và hải đảo được tích hợp vào các hoạt động giáo dục như hoạt động vui chơi, trò chơi học tập, trò chơi vận động và các hoạt động chăm sóc giáo dục theo từng lĩnh vực, hoạt động lễ hội… Giáo dục trẻ có ý thức hơn thông qua các chủ đề, hình thành ở trẻ những thói quen tốt. Chúng ta không cung cấp kiến thức cho trẻ riêng lẻ theo từng môn học mà phải có sự lồng ghép, đan xen các môn học một cách khéo léo, nhẹ nhàng, nhằm tạo không khí sôi động trong giờ học, đáp ứng được sự phát triển của trẻ. Trong từng hoạt động chúng ta đều có thể tích hợp nội dung giáo dục biển đảo cho trẻ. Tuy nhiên chúng ta không nên quá tham về nội dung tích hợp mà quên mất nội dung chính của từng hoạt động. Điều quan trọng giáo viên phải đào sâu suy nghĩ linh hoạt xây dựng từng hoạt động trong ngày một cách tỉ mỉ, tích hợp nội dung chuyên đề một cách hợp lý.
Giải pháp 5: Sưu tầm, sáng tạo thêm một số trò chơi mới, phong phú lôi cuốn trẻ, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo có ở mọi nơi
Mỗi một bài hát, bài thơ, câu truyện… đó đều là những nguyên vật liệu, qua đó có thể giáo dục tình yêu biển đảo cho trẻ. Nguyên vật liệu cũng có thể là những loại đồ dùng, đồ chơi tự làm, dụng cụ dễ kiếm. Có thể để trẻ tự tìm như lá cây, phế liệu hư, vỏ hộp, thùng cát tông, quần áo cũ, bông, vải vụn… để trẻ hiểu được cuộc sống vất vả của người dân vùng biển, nhất là các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ cách gác giữ bình yên cho đất nước. Khuyến khích trẻ tạo ra các sản phẩm phục vụ việc học như giấy để xếp thuyền, lá cây xếp các con vật, ngôi nhà, vỏ hộp làm hộp quà, hình thú… gởi tặng các bạn nhỏ vùng biển, hải đảo. Góp phần hình thành tình yêu biển đảo, kỹ năng tư duy, sáng tạo với những thứ có xung quanh.
Giải pháp 6: Giáo dục tình yêu biển đảo cho trẻ mọi lúc, mọi nơi
Trong các giờ chơi tự do hay hoạt động ngoài trời, cô luôn quan sát để giáo dục trẻ kịp thời. Rèn trẻ sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn gàng như các chú bộ đội, nhặt rác bỏ vào thùng rác; không tranh giành đồ chơi; hòa đồng thân thiện với các bạn. Giáo dục trẻ kỹ năng tự phục vụ bản thân như đánh răng, rửa mặt, vệ sinh. Giúp trẻ nhận biết được các nguy hiểm xung quanh mình như lửa, điện, nước, người lạ… Từ đó, trẻ biết phòng tránh và ứng phó với những tình huống có thể xảy ra. Khơi gợi cho trẻ bằng hệ thống câu hỏi gợi ý để trẻ tự đưa ra được ý kiến của mình như: Có yêu biển không? Để biển trong lành, không bị ô nhiễm, các con phải làm gì? Chú bộ đội hải quân làm nhiệm vụ gì?… Lồng ghép vào tiết dạy các trò chơi về biển và hải đảo để tăng khả năng nhận thức của trẻ. Giúp trẻ tự miêu tả những gì trẻ biết và có thể làm về biển và hải đảo, từ đó cô đọng lại, đặt thêm những câu hỏi gợi mở và để trẻ tự tư duy thực hiện, tạo tình huống để trẻ làm giúp, luôn coi trọng quan điểm của trẻ, làm cho trẻ phát triển khả năng so sánh, phân tích, suy nghĩ về nhiệm vụ phải làm. Động viên, kích thích trẻ tự tìm, tự sáng tạo trong khi thể hiện.
Giải pháp 7: Kết hợp với phụ huynh giáo dục tình yêu biển đảo cho trẻ:
Thường xuyên phối hợp với phụ huynh trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ là một công việc rất cần thiết và đúng đắn. Vì vậy, trong các buổi họp phụ huynh của lớp, tôi đã dành nhiều thời gian để nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động giáo dục về biển đảo cho trẻ mẫu giáo lớn để trao đổi với phụ huynh. Đối với trẻ mầm non, hình ảnh biển đảo là những gì xa xôi, trẻ chưa từng được tiếp xúc, chưa từng có cảm giác thân thiện hay yêu mến. Bởi những gì gắn bó, gần gũi với trẻ là tình yêu thương gia đình, bạn bè, làng xóm, những gì thân thuộc xung quanh trẻ. Hơn ai hết, cha mẹ, cô giáo là những người trực tiếp giáo dục các em. Vậy nên chúng ta không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải truyền lại cho thế hệ mai sau tình yêu sâu sắc đối với biển đảo đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Truyền đạt kiến thức về tình yêu sâu sắc đối với biển đảo đối với vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đến phụ huynh. Tuyên truyền đến phụ huynh học sinh các thông tin về chủ quyền biển đảo để phụ huynh giáo dục trẻ thêm ở nhà, đồng thời cảnh giác phụ huynh với những thông tin sai sự thật.
Qua những giải pháp tôi nghiên cứu và áp dụng vào lớp mình, chất lượng về hoạt động tạo hình lớp tôi tăng lên rõ rệt. Trên 90% trẻ hào hứng, nắm được các thông tin cơ bản về biển đảo và làm gì để thể hiện tình yêu biển đảo. Đặc biệt trẻ lớp tôi rất mạnh dạn, tự tin trước mọi người, trẻ rất thích được tham gia hoạt động tập thể ở mọi lúc mọi nơi.
+ Về khả năng áp dụng của sáng kiến: Giải pháp này đã được áp dụng ở lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường Mẫu giáo Bình Minh đã đạt được kết quả tốt trong việc giáo dục trẻ tình yêu về biển và hải đảo. Giải pháp này nhân rộng ở phạm vi các đơn vị bạn trong toàn huyện.
– Những thông tin cần được bảo mật: Không có
– Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến: Tất cả giáo viên đang giảng dạy ở trường mầm non hoặc mẫu giáo 5- 6 tuổi trong lĩnh vực giáo dục tình yêu biển đảo.
– Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả:
So với đầu năm sau khi áp dụng vào việc giảng dạy cho trẻ tình yêu về biển và hải đảo. Quaáp dụng kinh nghiệm tôi nhận thấy trẻ đã có tiến bộ rõ rệt kết quả như sau:
STT | Nội dung | Số lượng | Tỉ lệ % | So với đầu năm tăng % |
1 | Khái niệm cơ bản về biển và hải đảo | 21/23 | 91.3% | 69.6% |
2 | Nhận biết nguồn tài nguyên biển | 20/23 | 86.9% | 56.5% |
3 | Nhận biết sự vất vả của chú bộ đội hải quân khi làm nhiệm vụ | 22/23 | 95.7% | 57.1% |
4 | Nhận biết quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam | 22/23 | 95.7% | 74% |
– Đánh giá lợi ích thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử:
Qua ý kiến đánh giá của đồng nghiệp, sau khi sử dụng giải pháp trong giảng dạy so với không sử dụng giải pháp thì giải pháp này có vài điểm tốt hơn đó là: Trẻ đi học chuyên cần hơn, ngoan ngoãn và có nề nếp trong học tập. Về mặt ý thức tình yêu biển đảo thì trẻ nhận biết khái niệm về biển, đảo và biết một số nguồn tài nguyên của biển. Nhận biết được quần đảo Trường sa, Hoàng sa và có tình yêu đối với biển và hải đảo, biết được sự vất vả của các chú bộ đội canh giữ ngoài đảo xa. Giải pháp này được đồng nghiệp đánh giá cao nhằm phát triển tốt lĩnh vực phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo.