Giải pháp giáo dục ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho trẻ 4-5 tuổi
Lượt xem:
Chúng ta cũng biết các cháu thiếu nhi là thế hệ trẻ là mầm non tương lai của đất nước. Vì vậy công tác chăm sóc và giáo dục vệ sinh cho trẻ mẫu giáo là một việc rất quan trọng và cần thiết giúp trẻ có nề nếp, thói quen ý thức tự phục vụ bản thân, phòng tránh bệnh tật, tăng cường sức khỏe, hình thành những kỹ năng sống cơ bản đầu tiên, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai.
Bản thân là một giáo viên phụ trách giảng dạy lớp Chồi 1 và chăm lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ tôi nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình cũng như tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho trẻ tại nhóm lớp mình phụ trách. Tôi luôn đặt câu hỏi cho bản thân: Làm sao? Làm như thế nào? Và cần phải làm những gì? để rèn cho trẻ có thói quen, ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân một cách tốt nhất.
Do đó tôi đã đề xuất với tổ chuyên môn và Phó hiệu trưởng nha trường người phụ trách công tác hoạt động bán trú để đưa ra giải pháp giáo dục ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Trong quá trình tổ chức thực hiện giải pháp của năm học 2021-2022 tôi đã rút ra được nhữnng ưu, khuyết điểm sau:
* Ưu điểm
– Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo PGD và BGH nhà trường cơ sở vật chất được đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động phục vụ vệ sinh cá nhân trẻ mua sắm bổ sung các đồ dùng thiết bị, dụng cụ phục vụ cho hoạt động vệ sinh của trẻ đầy đủ.
– Trường có đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, năng động, yêu nghề, mến trẻ, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có tinh thần đoàn kết, nhất trí cao, luôn có ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
– Nhà trường duy trì được công tác bán trú, các cháu đi học cả ngày nên thuận lợi trong việc rèn trẻ.
– Được sự quan tâm của BGH nhà trường thường xuyên cử các đồng chí giáo viên cốt cán đi dự kiến tập huấn về hoạt động giáo dục vệ sinh cho trẻ do Sở tổ chức và tham gia các lớp chuyên đề về công tác vệ sinh do Phòng giáo dục tổ chức nên đã có một số kiến thức và kỹ năng cơ bản về hoạt động vệ sinh.
– 100% giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn.
– Bản thân có tham khảo một số tài liệu, qua chuyên đề hè và sách “Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho trẻ của Bộ giáo dục và Đào tạo.
* Khuyết điểm:
– Một số cháu mới đến trường, lớp nên chưa quen nề nếp vệ sinh, chế độ sinh hoạt ở trường và một số cháu còn quá nhỏ.
– Một phần ba, mẹ cưng chiều quá mức, thường làm giúp trẻ nên khả năng tự phục vụ của trẻ trong hoạt động vệ sinh còn hạn chế.
– Một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc rèn luyện giáo dục ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho trẻ.
– Công tác phối hợp với phụ huynh của một số giáo viên còn hạn chế.
+ Nội dung giải pháp đề nghị công nhận sáng kiến
Với những thuận lợi và khó khăn trên, tôi đã nghiên cứu tìm những biện pháp giải quyết như sau:
- Mục đích giải pháp:
+ Hình thành cho trẻ có thói quen có ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho bản thân trong sinh hoạt hàng ngày
+ Bản thân tiến hành áp dụng giải pháp giáo dục trẻ có ý thức tự phục vụ, vệ sinh cá nhân cho bản thân ở lớp Chồi 1, bản thân tôi trực tiếp giảng dạy bằng các giải pháp như sau:
Giải pháp 1: Xây dựng môi trường và điều kiện vật chất tối thiểu cần thiết cho hoạt động vệ sinh của trẻ.
* Về môi trường
Xây dựng môi trường gây hứng thú đối với trẻ đầu tiên ta cần xây dựng hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ luôn mẫu mực để trẻ noi theo.
Môi trường cho trẻ hoạt động trong phòng, nhóm lớp: Giáo viên xây dựng các góc chơi “Rèn kỹ năng sống cho trẻ” qua những hình ảnh mang nội dung giáo dục vệ sinh dưới dạng mở để trẻ được thỏa sức lựa chọn những hình ảnh đúng – sai theo khả năng nhận thức của trẻ.
Làm tốt công tác vệ sinh môi trường nề nếp của lớp sắp xếp đồ dùng gọn gàng, sạch sẽ, mọi sinh hoạt của lớp có nề nếp làm cho lớp học vui tươi đầm ấm. Tất cả những cái đó ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thói quen cho trẻ. Cô cần tạo môi trường gần gũi, phong phú bằng các hình ảnh ngộ nghĩnh tại bồn rửa tay hay trang trí góc vệ sinh cho trẻ.
* Về đồ dùng, dụng cụ vệ sinh
Để đảm bảo đồ dùng phục vụ cho hoạt động vệ sinh cho trẻ ngay từ đầu năm học bản thân đã thống kê đồ dùng, dụng cụ của lớp để kịp thời tham mưu với nhà trường bổ sung thêm đồ dùng, dụng cụ vệ sinh đảm bảo cho trẻ hoạt động.
Ví dụ: Cô dạy trẻ úp ca, cốc cho trẻ thực hiện úp, có phương tiện và lại để trẻ được thực hiện thường xuyên ở lớp cũng như ở nhà, trẻ sẽ nhanh chóng hình thành được thói quen vệ sinh đó. Cô cùng gia đình kết hợp dạy trẻ ở mọi lúc mọi nơi, nếu có điều kiện để rèn luyện những kỹ năng thực hành vệ sinh cho trẻ.
Giải pháp 2: Tự học tập, bồi dưỡng về kỹ năng thực hành thao tác chăm sóc – vệ sinh cho trẻ.
Tôi luôn xác định muốn rèn luyện cho trẻ có thói quen trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân thì việc làm đầu tiên là cô giáo phải có kiến thức chuẩn xác về kĩ năng thực hành và cần rèn luyện cho trẻ những thói quen vệ sinh sau:
Trẻ tự rửa mặt, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chải đầu, đánh răng.
Có ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng, tôn trọng người khác như: không khạt nhổ bậy, không vứt rác ra lớp học, nơi công cộng, biết sử dụng nước sạch.
Trẻ tự mặc quần áo, biết đòi hỏi người lớn phải cho mình ăn mặc gọn gàng sạch sẽ. Biết gấp cất trải nệm, gối.
Biết giữ nhà cửa, đồ dùng đồ chơi gọn gàng sạch sẽ. Biết giúp cô lau bàn ghế, rửa đồ chơi, xếp lại kệ đồ chơi gọn gàng ngăn nắp. Khi ra nắng biết đội mũ nón và biết mặc áo mưa khi trời mưa.
Trẻ bắt đầu hình thành vững chắc các quy tắc vệ sinh cá nhân và nếp sống văn minh.
Cô cũng cần nắm được các kỹ năng cần rèn cho trẻ như:
Trẻ phải thành thạo các kỹ năng thực hành vệ sinh của lớp Chồi, ngoài ra cô cần rèn cho trẻ. Biết giúp cô giặt khăn, phơi khăn. Biết dùng tay – khăn che miệng khi hắt hơi, ho, ngáp, hỉ mũi…
Đặc điểm của trẻ là hay bắt chước, có thể bắt chước cái đúng, cái tốt, nhưng cũng có thể bắt chước cái sai, cái xấu. Vì vậy cô giáo và mọi người xung quanh cần phải tự rèn bản thân và tuân thủ những yêu cầu vệ sinh của nhà trường, thực hiện triệt để lời nói phải đi đôi với việc làm để thực sự là tấm gương sáng cho các cháu noi theo.
Giải pháp 3: Sưu tầm, vận dụng các bài thơ, truyện, bài hát và trò chơi vào hoạt động vệ sinh.
Tổ chức các hoạt động vui chơi chứa đựng nội dung giáo dục thói quen văn hoá vệ sinh: Chơi là quá trình trẻ học làm người, trải nghiệm những xúc cảm, tình cảm, hành vi của con người qua các vai khác nhau. Với các chủ đề chơi về “gia đình”, “cửa hàng bách hoá”, “trường mầm non”, “Bác sỹ”… Khi trẻ tham gia vào trò chơi cũng chính là quá trình trẻ tiếp nhận tri thức, kỹ năng, hình thành xúc cảm, tình cảm một cách tự nhiên không ép buộc… Trong quá trình đó cần hướng trẻ chú ý tới hành động của con người, mối quan hệ của họ, kết hợp với giải thích động cơ hành động, tạo môi trường hoạt động, giúp trẻ dễ dàng sử dụng các vật liệu có sẵn và hoàn cảnh xung quanh để chơi.
Khi tổ chức cho trẻ chơi: Cho trẻ đàm thoại trước khi chơi, đàm thoại giúp trẻ có cơ hội độc lập chuyển tri thức và kỹ năng đã biết để đạt mục đích chơi, lập kế hoạch tổ chức thực hiện và xác định những điều kiện cần thiết. Trong quá trình tổ chức, điều kiện quá trình chơi của trẻ, giáo viên có thể tham gia trực tiếp vào trò chơi với trẻ, giúp trẻ phát triển mối quan hệ trong trò chơi bằng cách mở rộng nội dung chơi, vai chơi, đánh giá vai chơi trong những tình huống cụ thể, hướng dẫn trẻ, kịp thời giúp trẻ điều chỉnh hành vi phù hợp. Sau khi kết thúc trò chơi, giáo viên với tư cách là người điều khiển trò chơi đánh giá hành động của trẻ, giao nhiệm vụ cho trẻ tiếp tục luyện tập trong sinh hoạt hàng ngày để củng cố hành vi.
Với mỗi đề tài tôi luôn nghiên cứu tìm hiểu kĩ trước khi dạy để xây dựng bài theo chủ đề một câu chuyện để kích thích sự tò mò và hứng thú ở trẻ.
Ví dụ: Ở hoạt động vệ sinh với nội dung “Đánh răng” ở chủ đề bản thân tôi sử dụng truyện “Gấu con bị đau răng”, cô dẫn dắt cho trẻ biết vì Gấu con hay ăn kẹo, bánh mà lại lười đánh răng nên bị sâu răng.
Giải pháp 4: Giáo dục vệ sinh cho trẻ thông qua các hoạt động giáo dục
Giáo dục vệ sinh cho trẻ thông qua hoạt động vệ sinh: Tổ chức hoạt động vệ sinh là cách thức tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của trẻ. Mục đích là trang bị cho trẻ những tri thức chủ yếu về vệ sinh, giúp trẻ nắm được các thao tác thực hiện trong từng hành động vệ sinh một cách chính xác, đúng đắn, làm cơ sở để luyện tập trong sinh hoạt hàng ngày. Các tiết vệ sinh có thể tổ chức theo từng nhóm nhỏ từ 5 – 10 trẻ vào các thời điểm làm vệ sinh cá nhân, trước khi ăn cơm, trước khi ngủ trưa… Trong quá trình tổ chức tiết học vệ sinh cá nhân, giáo viên có thể sử dụng các dụng cụ trực quan như tranh ảnh hoặc các dụng cụ vệ sinh cá nhân để giúp trẻ dễ dàng nắm được cách thức thực hiện, có hứng thú với việc thực hiện hành vi văn hoá vệ sinh.
Lồng ghép vào các hoạt động học có chủ đích: Trong quá trình tổ chức các hoạt động học tập cho trẻ, thông qua những môn học, bài học cụ thể như: Khám phá khoa học; Khám phá xã hội; Làm quen với tác phẩm văn học… Giáo viên có thể tiến hành tích hợp nội dung giáo dục thói quen văn hoá vệ sinh cho trẻ. Tuy nhiên khi tiến hành lồng ghép giáo viên cần chú ý đảm bảo tính tự nhiên, hợp lý, khách quan của tri thức môn học; đảm bảo tính hệ thống, trọn vẹn của nội dung hoạt động học tập; đảm bảo tính vừa sức cho trẻ. Mục đích: Củng cố cho trẻ biết cách giữ gìn vệ sinh các bộ phận cơ thể: mắt, mũi, miệng, tay, chân..
Giải pháp 5: Giáo dục vệ sinh thông qua các hoạt động trong ngày
Tổ chức cho trẻ luyện tập trực tiếp, thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày: Trẻ lứa tuổi mầm non có đặc điểm mau nhớ, chóng quên, vì vậy mỗi hành vi văn hoá vệ sinh đã hình thành cho trẻ cần phải được luyện tập củng cố một cách thường xuyên. Cho trẻ thực hành thường xuyên trong các thời điểm sinh hoạt hàng ngày (khi đón, trả trẻ, khi tổ chức cho trẻ ăn, ngủ, chơi học..), đó là cách luyện tập tốt nhất để giúp trẻ biến những kỹ năng đã hình thành trở thành kỹ xảo, thói quen. Ví dụ khi tổ chức cho trẻ ăn cô giáo hướng dẫn trẻ rửa tay, lau miệng trước và sau khi ăn; dạy trẻ trước khi ăn phải mời mọi người, khi ăn phải nhai kỹ, không được ngậm thức ăn trong miệng, không được dùng tay bốc thức ăn, không vừa ăn vừa nói chuyện; Trong giờ chơi cô giáo hướng dẫn trẻ cách chơi với đồ vật, đồ chơi, cách giao tiếp, giúp đỡ bạn trong quá trình cùng chơi; không được tranh giành đồ chơi với bạn, không được đập, phá làm hỏng đồ chơi… Khi trẻ thực hiện các hành động cô giáo cần giám sát, kiểm tra, đánh giá, động viên khen ngợi kịp thời những trẻ làm đúng, làm tốt, hướng dẫn, uốn nắn, điều chỉnh những trẻ làm chưa đúng. Thông qua việc luyện tập thường xuyên, hàng ngày, với sự giúp đỡ và giám sát chặt chẽ của giáo viên, trẻ sẽ có được những kỹ năng thực hiện hành động có văn hoá vệ sinh, dần dần những kỹ năng đó sẽ trở thành thói quen, thành nhu cầu bên trong của trẻ. Rèn trẻ thông qua các hoạt động của lớp trong ngày.
Ví dụ: Lúc đón trẻ vào lớp phải chào cô, cô hướng dẫn trẻ xếp mũ nón vào giá, chải đầu, đi dép đúng chân.
– Giờ ăn trưa: Dạy trẻ rửa tay lau mặt, mời cô, các bạn, cầm thìa đúng tay.
+ Ăn nhai từ tốn, không nhai nhồm nhoàm và nuốt vội.
+ Không ngậm thức ăn lâu trong miệng – không vừa ăn vừa chơi, vừa nói chuyện, đi lại lung tung.
+ Không xúc qua đầu, không bỏ dở suất ăn, biết nhặt cơm rơi vào đĩa riêng – ăn xong lau miệng.
+ Uống nước từ từ, không làm đổ, không làm vỡ cốc, không rót nước quá đầy, thò tay vào bình nước, không uống nước lã.
Mặc: Trang phục quần áo gọn gàng sạch sẽ – không mặc quần áo bẩn, rách, đứt cúc, không ngồi lê trên sàn đất hoặc bôi bẩn vào quần áo – thường xuyên tắm rửa, thay quần áo.
Với bạn bè: Biết nhường nhịn bạn khi chơi và cùng chơi không đánh cãi nhau gây gổ bắt nạt bạn yếu.
Với thiên nhiên môi trường:
Biết yêu quý bảo vệ cảnh đẹp của thiên nhiên, không hái hoa ngắt lá, bẻ cành cây ở trường, lớp vườn hoa. Chăm tưới cây, nhổ cỏ, dọn vệ sinh.
- Giờ trả trẻ: Cô nhắc nhở phụ huynh cùng với cô, giáo dục các cháu theo chủ điểm yêu cầu của lớp học.
Giải pháp 6: Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với phụ huynh trong công tác rèn thói quen vệ sinh cho trẻ
“Giáo dục ở nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ở gia đình, ngoài xã hội. Giáo dục nhà trường dù có tốt đến mấy nhưng nếu thiếu giáo dục ở gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”.
Để phối hợp với gia đình trong việc giáo dục thói quen văn hoá vệ sinh cho trẻ, giáo viên cần tiến hành trao đổi thường xuyên với phụ huynh trẻ thông qua giờ đón và trả trẻ hàng ngày, qua đó nắm bắt những đặc điểm, hành vi của trẻ ở gia đình. Đồng thời thông báo cho gia đình biết tình hình, những biểu hiện của trẻ ở lớp, những nội dung, yêu cầu giáo dục của cô đối với trẻ. Từ đó có cách thức tác động, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, rèn luyện hành vi văn hoá cho trẻ. Chính vì vậy, cần thiết phải giáo dục cho trẻ những thói quen văn hoá ngay từ khi còn nhỏ. Hoạt động này muốn đạt hiệu quả cao, trong công tác giáo dục, giáo viên mầm non cần phải có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm tốt, phải nắm vững nội dung chương trình giáo dục, biết cách lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục, linh hoạt và sáng tạo trong tổ chức các hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Biết cách tạo cho trẻ sự hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động. Để làm được điều đó người giáo viên phải có lòng yêu trẻ, nắm vững đặc điểm của trẻ, có sự kiên trì, nhẫn lại trong khi rèn luyện cho trẻ. Vì những việc làm tốt được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ thành thói quen tốt.
Muốn trẻ hình thành được các thói quen vệ sinh thì nhà trường và gia đình phải thống nhất yêu cầu giáo dục vệ sinh đối với trẻ. Nhà trường và giáo viên thông báo, yêu cầu biện pháp giáo dục vệ sinh cho phụ huynh biết, yêu cầu phụ huynh cần theo dõi giúp đỡ và cho biết tình hình thực hiện ở nhà để cùng phối hợp giáo dục rèn luyện cho trẻ.