Giải pháp giúp phát huy tính tích cực trong giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai, vì thế giáo dục con người ở lứa tuổi mầm non vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi con người đối với xã hội, đối với cộng đồng. Hơn nữa giáo dục thể chất cho trẻ mầm non càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi cơ thể trẻ đang phát triển mạnh mẽ, hệ thần kinh, cơ xương hình thành nhanh, bộ máy hô hấp đang hoàn thiện, trong khi sức đề kháng của trẻ còn non yếu, rất nhạy cảm với những tác động của môi trường bên ngoài, cơ thể trẻ dễ bị phát triển lệnh lạc, mất cân đối nếu không được chăm sóc giáo dục đúng đắn thì có thể gây nên những thiếu sót trong sự phát triển cơ thể trẻ mà không thể khắc phục được. Phát huy tính tính cực cho trẻ trong vận động là một biện pháp trong giáo dục phát triển vận động, nó có vị trí quan trọng trong cuộc sống và vận động hàng ngày của trẻ, là phương tiện tốt nhất giúp cho quá trình giáo dục thể chất trở nên hấp dẫn, dễ hiểu, bổ ích cho trẻ, giúp trẻ có hứng thú yêu thích với các loại vận động trong hoạt động tập thể.

          * Ưu điểm:  

– Được sự quan tâm giúp đỡ của Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi trong lớp để dạy trẻ tốt hơn.

– Được sự chỉ đạo của Ban giám hiệu về kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng kế hoạch cho trẻ vận động vào các buổi trong ngày.

– Phòng học rộng rãi hợp lý nên việc tổ chức giảng dạy và tổ chức các hoạt động cho trẻ cũng dễ dàng.

– Đồ dùng phục vụ bộ môn đầy đủ.

– Giáo viên nhiệt tình, yêu trẻ và được sự giúp đỡ của đồng nghiệp trong việc chăm sóc giáo dục trẻ và tổ chức các hoạt động.

– Đa số phụ huynh quan tâm đến con, đến các hoạt động của lớp.

*Hạn chế:

– Giáo viên chưa có nhiều sáng tạo trong các hình thức tổ chức hoạt động phát triển vận động. Ít tổ chức các hoạt động để trẻ được trải nghiệm, ôn luyện củng cố kiến thức. Cô chưa chú ý lồng ghép vào các hoạt động khác và chưa quan tâm nhiều đến việc thiết kế môi trường hoạt động cho trẻ.

          – Nhận thức của phụ huynh về môn giáo dục phát triển vận động không quan trọng mà chỉ là một môn phụ không cần quan tâm. Từ đó chưa quan tâm đến việc phối hợp với giáo viên tổ chức các hoạt động vận động nhằm phát triển thể lực cho trẻ, luôn bắt trẻ ngồi ngoan một chỗ để tránh bị bẩn quần áo hoặc sợ trẻ bị ngã.

– Đa phần trẻ chưa có thói quen kỹ năng và nề nếp tốt trong hoạt động giáo dục thể chất. Bên cạnh đó một số trẻ còn hiếu động, thích chạy nhảy nô đùa nhưng chưa có khả năng thể hiện chính xác các động tác tập luyện, sáng tạo trong các hoạt thể dục. Một số trẻ khác lại khá rụt rè nhút nhát, thiếu tự tin và không thích tham gia vào các hoạt động tập thể.

Nhận thức được điều đó, tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ để tìm ra biện pháp và hình thức để gây hứng thú khi tham gia vào hoạt động thể chất cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi tại lớp mình phụ trách. Trên thực tế, ở các trường mầm non giáo dục thể chất chưa được quan tâm đúng mức, chính vì vậy tôi đã chọn đề tài sáng kiến kinh nghiệm là “Giải pháp giúp phát huy tính tích cực trong giáo dục phát triển vận động cho trẻ mẫu giáo 4-5 tuổi ở trường mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang”.

2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:

– Mục đích của giải pháp: Đánh giá được thực chất việc phát triển vận động của trẻ, từ đó tìm ra nhiều biện pháp sáng tạo giúp trẻ 4-5 tuổi nâng cao ý thức tập luyện và hào hứng trong các bài tập, giúp hoạt động thể chất đạt chất lượng cao hơn. Làm cho giờ học sinh động, lôi cuốn, giúp trẻ hứng thú, tích cực tham gia hoạt động, lĩnh hội kiến thức một cách sâu sắc hơn, phát triển tốt các tố chất: Nhanh, mạnh, bền, khéo, dẻo dai… Giúp trẻ phát triển tốt khả năng phối hợp các giác quan, các bộ phận trên cơ thể. Giúp cho phụ huynh nhận thức được sự cần thiết phải quan tâm chăm sóc phát triển thể chất cho trẻ. Giáo viên có nhiều kinh nghiệm hơn, nâng cao trình độ chuyên môn trong chăm sóc, giáo dục phát triển thể chất cho trẻ từ đó góp phần phát triển nhân cách cho trẻ một cách toàn diện nhất về mọi mặt.

– Nội dung giải pháp: Để giúp trẻ phát triển thể lực được tốt, có cơ thể khỏe mạnh hài hòa, cân đối thì việc xây dựng kế hoạch giáo dục thể chất cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của trường mầm non. Bên cạnh đó, việc lựa chọn hình thức tổ chức hoặc lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi gây chú ý, tạo cảm giác mới lạ, kích thích trẻ vận động cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Lồng ghép hoạt động thể chất vào các hoạt động khác trong ngày, cho trẻ vận động mọi lúc, mọi nơi giúp trẻ tự giác, tích cực hơn trong tham gia các hoạt động thể chất. Luôn tuyên truyền với phụ huynh phối hợp với nhà trường trong việc phát triển các kỹ năng vận động cho trẻ, bởi chỉ cho trẻ tập luyện ở trường thôi là không đủ, cần sự phối hợp hài hòa giữa gia đình và nhà trường để giúp trẻ phát triển thể chất tốt hơn. Tổ chức tốt các cuộc thi, hội thi giúp phát triển thể chất cho trẻ tham gia, không những giúp phát triển thể chất mà còn giúp trẻ tự tin, mạnh dạn tham gia vào các hoạt động tập thể hơn. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động thể chất, giáo dục phát triển vận động cũng chỉ gói gọn theo giáo trình giảng dạy cũ, không kích thích được sự tích cực, chủ động của trẻ, việc nâng cao độ khó trong các bài tập cơ bản và sáng tạo trong các động tác luyện kết hợp với nhạc cho trẻ còn chưa cao. Một số trẻ hiếu động, thích chạy nhảy nô đùa nhưng chưa có khả năng thể hiện chính xác các động tác tập luyện, sáng tạo trong các hoạt thể dục. Một số trẻ khác lại khá rụt rè nhút nhát, thiếu tự tin và không thích tham gia vào các hoạt động tập thể. Trước thực trạng đó, tôi luôn trăn trở và nghiên cứu một số biện pháp như sau:

Giải pháp 1: Xây dựng kế hoạch giáo dục thể chất cho trẻ

Ngay từ đầu năm học, sau khi được phân công phụ trách lớp 4-5 tuổi tôi đã nghiên cứu xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục thể chất và xin ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường và dựa trên kế hoạch tổng thể của hiệu phó chuyên môn. Trước khi xây dựng lập kế hoạch hành động đều phát triển thể chất cho trẻ, tôi phải lựa chọn chủ đề, xác định từ nội dung giáo dục phù hợp và gắn với chủ đề. Những nội dung lựa chọn phải xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của trẻ và hệ thống tri thức khoa học về sức khỏe, tự nhiên, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, gần gũi với trẻ, gắn với địa phương, phù hợp với độ tuổi và khả năng của trẻ, các nội dung đưa ra cần thể hiện tính đồng tâm phát triển, tính phát triển theo tuần tự, có hệ tri thức khoa học, từ xa đến gần, từ cái đã biết đến cái chưa biết và biết tốt hơn, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Tôi đã xây dựng kế hoạch đưa các mục tiêu vào bài dạy các môn học khác và đặc biệt là hoạt động giáo dục phát triển vận động, tôi chú trọng lên kế hoạch đưa các mục tiêu vào bài dạy. Với những trẻ chưa đạt được theo các mục tiêu cần có biện pháp bồi dưỡng riêng và thường xuyên động viên khích lệ trẻ tích cực tham gia vào hoạt động để đạt được các mục tiêu quy định. Tôi đã lên kế hoạch sao cho khoa học đảm bảo yêu cầu từ dễ đến khó.

Xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, giới tính, sức khỏe, trình độ, khả năng tiếp thu của trẻ trong lớp, tôi đã xây dựng bài tập vận động đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức đối với trẻ sao cho phù hợp, lựa chọn các vận động, trò chơi vận động không cùng nhóm cơ (tay với tay hoặc chân với chân) giữa các bài tập cần đến sự linh hoạt nhanh nhẹn với bài tập cần có sự kết hợp chính xác giữa sự bền bỉ với sự khéo léo của cơ thể. Và đây là một số bài tập thể dục mà tôi đã thực hiện tính vừa sức đối với trẻ.

Giải pháp 2: Linh hoạt, sáng tạo trong việc tạo môi trường cho trẻ vận động

Môi trường học tập rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, muốn trẻ hoạt động sôi nổi với giáo dục thể chất thì việc đầu tiên phải gây hứng thú cho trẻ khi tới lớp học, trẻ có yêu thương,  thích đi học thì trẻ mới có hứng thú tham gia vào các hoạt động khác. Vì thế môi trường học tập tốt sẽ khuyến khích trẻ tích cực hoạt động. Từ việc cô cho trẻ tham gia tạo ra các sản phẩm được phát triển các vận động tinh như cắt, dán, cầm, nắm, vẽ, tô màu. Qua đó trẻ thấy thích thú tham gia các hoạt động dưới sự động viên khuyến khích của cô.

Với diện tích sân trường rộng lớn, việc cho trẻ ra sân chơi tự do sẽ khó bao quát. Trẻ hiếu động, chạy nhảy nhiều sẽ dễ xảy ra nhiều tai nạn thương tích. Nhận thấy được điều đó, tôi đã xây dựng góc vận động để thuận tiện cho trẻ sử dụng và tuyên truyền đến tất cả các bậc phụ huynh, tôi chọn vị trí gần trước cửa lớp. Tôi sắp xếp các đồ dùng dụng cụ để cho trẻ dễ lấy dễ sử dụng. Đến mọi hoạt động như thể dục sáng, giờ học thể dục, hoạt động ngoài trời, trẻ có thể tự lấy đồ dùng đồ chơi phù hợp với vận động mà giáo viên yêu cầu. Ngoài ra khi xây dựng góc vận động, trẻ có thể tự tham gia vận động khi trẻ được bố mẹ đón và cho chơi ở sân trường, trẻ có thể rủ bạn cùng tập lại bài tập mà buổi sáng đã học cho bố mẹ xem. Khi có góc vận động, tôi nhận thấy trẻ lớp tôi tiến bộ nhiều hơn, trẻ tham gia vận động tự nhiên và tích cực hơn, đồng thời phụ huynh lớp tôi thấy được rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục thể chất, họ quan tâm đến sự vận động của con mình xem các bài vận động con mình thực hiện được đến đâu, con thực hiện tốt bài tập không, các bạn tự tin khi trèo thang hay đi trên cầu thang bằng không, từ đó phụ huynh cũng dành sự quan tâm cho giáo dục thể chất hơn.

Đối với môi trường trong lớp, muốn trẻ hứng thú với giáo dục phát triển vận động thì việc đầu tiên phải gây hứng thú cho trẻ khi tới lớp học. Vì thế môi trường học tập tốt sẽ khuyến khích trẻ tích cực hoạt động. Đối với lớp học ngay từ đầu năm học tôi đã tạo môi trường theo các chủ đề để gây hứng thú cho trẻ khi tới trường, với mỗi chủ đề tôi luôn có sự thay đổi phù hợp, tạo các góc mở cho trẻ hoạt động, gợi mở ý tưởng sáng tạo của trẻ để trang trí lớp học. Môi trường đa dạng, phong phú hấp dẫn sẽ gây hứng thú cho trẻ và tạo ra kết quả của hoạt động cao nhất. Từ đó góp phần hình thành và nâng cao mối quan hệ thân thiện giữa cô và trẻ. Qua việc vận dụng khi thực hiện trong môi trường học tập, tôi nhận thấy trẻ tham gia sôi nổi hơn với các hoạt động, các trò chơi vận động.

Với hành lang lớp rộng rãi nên tôi đã tận dụng để tạo môi trường vận động cho trẻ, giúp trẻ phát triển kỹ năng đi giữ thăng bằng, phát triển tố chất khéo léo, mạnh mẽ như đi giữ thăng bằng trong đường hẹp, bật chụm tách, đi theo đường zích-zắc,… bằng những hình con vật, hình học làm từ giấy decal.

Giải pháp 3: Lựa chọn các hình thức đa dạng và phù hợp để tổ chức cho trẻ vận động

Vận động có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể, ở mỗi một giai đoạn thì nhu cầu vận động của trẻ là khác nhau. Vì vậy, khi lập tôi chọn lọc các bài tập vận động cơ bản trong hoạt động dục thể chất tôi dựa trên những cơ sở sau: Các bài tập vận động phải phù hợp với từng độ tuổi làm sao gây được hứng thú với trẻ. Các bài tập vận động có tác dụng chung đến toàn bộ cơ thể, kích thích được nhiều cơ bắp tham gia thúc đẩy sự hoạt động của toàn bộ các hệ cơ quan trong cơ thể. Cùng với việc dạy trẻ dạy trẻ các bài tập vận động tôi cũng phải chú ý đến việc phát triển các kỹ năng, tố chất vận động. Cần tăng cường ưu tiên các nhóm cơ bắp còn yếu về mặt sinh lý và giáo dục tư thế đúng cho trẻ, giúp trẻ có một thân hình cân đối, các động tác nhẹ nhàng, chính xác. 

Trong quá trình giáo dục thể chất cho trẻ mầm non, các nhiệm vụ giáo dục thể chất được hoàn thành bằng các hình thức khác nhau. Hình thức giáo dục thể chất ở trường mầm non là sự tổng hợp giáo dục về những hoạt động vận động nhiều dạng của trẻ, mà cơ bản là tính tích cực vận động của chúng. Sự tổng hợp những hình thức đó tạo nên một chế độ vận động nhất định, cần thiết cho sự phát triển đầy đủ về thể chất và củng cố sức khỏe cho trẻ. Ở trường mầm non sử dụng hình thức giáo dục thể chất qua các tiết học thể dục và lồng ghép vào các môn học khác.

Giải pháp 4: Lựa chọn các đồ dùng, đồ chơi, vật thật, an toàn, đẹp mắt, mới lạ để thu hút trẻ tham gia hoạt động.

Đối với trẻ mầm non, đồ dùng đồ chơi rất quan trọng đặc biệt là đồ dùng cho trẻ vận động. Sử dụng đồ dùng trực quan là một biện pháp hữu hiệu trong các hoạt động giáo dục thể chất đối với trẻ, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao kết quả của trẻ. Có đồ dùng trực quan đẹp, hấp dẫn, đa dạng, phong phú làm cho hoạt động thêm sinh động, hấp dẫn khiến trẻ hứng thú hơn nên đạt kết quả cao, hiểu được việc này thì việc tạo ra các đồ dùng đồ chơi để giúp trẻ có điều kiện hoạt động đúng mục đích là việc hết sức cần thiết đối với các lớp học mầm non nhưng bên cạnh đó việc lựa chọn đồ dùng, dụng cụ tập luyện cho trẻ rất quan trọng đây là việc làm thường xuyên của người giáo viên phải quan tâm. Căn cứ vào kết quả thống kê đồ dùng được nhà trường trang bị, tôi đã lên kế hoạch làm đồ dùng cho từng chủ điểm, từng đề tài. Việc làm đồ dùng dạy học tự tạo đối với giáo viên mầm non rất quan trọng, nó giúp ích rất nhiều trong quá trình dạy trẻ hơn nữa nó cũng góp phần nâng cao kỹ năng làm đồ dùng đồ chơi cho cô giáo.

Ngoài những đồ dùng đồ chơi mua sẵn của nhà trường thì tôi còn vận động đến phụ huynh tự làm một số đồ dùng bằng các vật liệu, phế liệu như là dùng những bìa các-tông gói hộp, bọc giấy màu làm vật chuẩn, vật cản, cắt bìa các-tông làm con đường, con suối và trang trí hoa, cỏ…. Dùng giấy màu và ống hút làm cờ, dùng các hộp sữa lớn làm lọ cắm cờ, dùng xốp mỏng cắt dải dài làm sợi dây cho trẻ thực hiện vận động nhảy qua dây, làm mô hình để dẫn dắt hoạt động theo một câu chuyện. Dùng cây tre nhỏ cắt khúc vừa với tay trẻ tập, rồi trang trí để làm gậy thể dục, làm phách tre…để làm đồ dùng cho trẻ học tập. Qua các hoạt động trong trường mầm non đặc biệt là hoạt động phát triển vận động, làm đồ dùng đồ chơi cũng không kém phần quan trọng, tôi đã nghiên cứu làm một số đồ dùng từ các phế liệu hấp dẫn khiến trẻ hứng thú tích cực tham gia hoạt động.

 Tạo các đường hẹp bằng các dây hoa – thanh nhựa…có màu sắc hấp dẫn kích thích thu hút trẻ vào giờ hoạt động thể chất đạt kết quả cao. Các loại đồ dùng phục vụ học tập của trẻ được cô tạo ra luôn tuân thủ nguyên tắc: bền chắc, không sắc nhọn, không có nguy cơ gây tai nạn cho trẻ, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Giải pháp 5: Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng vào các bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Thể dục giúp trẻ phát triển thể lực rất tốt, xong nếu phát triển thể lực mà không chú trọng đến chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ thì trẻ sẽ dễ bị mất thăng bằng. Ví dụ trẻ không ăn sáng đến trường cô yêu cầu tập luyện thể dục trẻ sẽ ra sao trẻ có tích cực tập không và có tập đúng kĩ thuật không, thời gian tập có bền vững không. Vì thế để trẻ phát triển thể lực cân đối, có sức khỏe tốt thì ngoài việc cho trẻ tập luyện thể dục đầy đủ còn phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, việc cho trẻ ăn uống đủ chất đủ lượng chủ yếu là do bộ phận nuôi dưỡng ở trường và gia đình trẻ cho nên với cô giáo thì phải làm gì để giúp cho trẻ có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Với các bậc phụ huynh, tôi thường xuyên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về từng đối tượng trẻ để phụ huynh hiểu được với trẻ nhỏ quan tâm như thế nào là đúng mức, phù hợp với trẻ nhất để trẻ phát triển thể lực hài hòa và cân đối, ngoài ra trẻ còn đủ lực để tiếp thu các hoạt động trong ngày ở trường của trẻ một cách tích cực, thoải mái, vui vẻ, hồn nhiên, không bị gò bó hay quá sức yêu cầu,thường xuyên nhắc nhở phụ huynh cho con ăn sáng đầy đủ, không được nhịn hay ăn tạm cái bánh, cái kẹo đi học, việc cho trẻ ăn đủ chất còn cần phải rèn cho trẻ thói quen ăn nhiều rau xanh, uống đủ lượng nước, đây là hai yếu tố không kém phần quan trọng trong việc phát triển thể chất cân đối cho trẻ, nhưng rất nhiều trẻ em không có thói quen thích ăn rau xanh hay uống nhiều nước dẫn đến nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển thể chất của trẻ nhất.

Giải pháp 6: Lồng ghép, tích hợp các hoạt động thể chất vào hoạt động giáo dục khác trong ngày.

Với đặc điểm nhận thức của trẻ mẫu giáo học mà chơi, chơi mà học tôi tận dụng vào các giờ học của các môn học khác để tận dụng vào rèn các kĩ năng vận động cho trẻ lớp tôi. Thông qua các trò chơi tôi đã xây dựng lồng ghép vào các trò chơi luyện tập củng cố. Trẻ không còn cảm thấy nhàm chán hứng thú hơn khi được tham gia vào các hoạt động, kiến thức giờ học được trẻ nhớ lâu hơn, đặc biệt có thể rèn các kĩ năng vận động mà trẻ đã được học.

Khi tham gia vào các hoạt động trẻ sẽ mệt mỏi, vì vậy trong thời gian giữa hai hoạt động hoặc ngay trong giờ hoạt động tôi thường tổ chức phút thể dục, trò chơi chuyển tiếp nhằm tăng khả năng làm việc của hệ thần kinh, cơ bắp, tăng tuần hoàn máu, giúp trẻ chống mệt mỏi, dễ tập trung chú ý trong hoạt động tiếp theo. 

Giải pháp 7: Tổ chức cho trẻ tham gia vận động ở mọi lúc, mọi nơi để củng cố và nâng cao khả năng vận động cho trẻ.

Sự phát triển vận động được thực hiện thông qua nhiều hình thức phong phú phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ mẫu giáo như trò chơi vận động, thể dục buổi sáng, tiết học thể dục, dạo chơi, các trò chơi thể thao lao động. Trong đó, trò chơi vận động, trò chơi thể thao là các hình thức hoạt động hấp dẫn trẻ em và có tác dụng giáo dục nhiều tới các vận động cơ bản và sự phối hợp các vận động ấy. Như chúng ta đã biết trò chơi vận động là những trò chơi trong đó lượng vận động chiếm ưu thế. Trò chơi vận động vừa là hình thức tổ chức vui chơi nghỉ ngơi tích cực, vừa là phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện. Trò chơi vận động thu hút nhiều trẻ tham gia và có tác dụng hoàn thiện kĩ năng vận động cho trẻ. Trò chơi làm phát triển những phẩm chất đạo đức, tính kỷ luật, trung thực, sự công bằng, biết giúp đỡ lẫn nhau. Chính vì vậy khi lựa chọn trò chơi, tôi dựa trên những điều kiện của trường, của lớp, dựa trên sự hứng thú và khả năng của trẻ lớp tôi phụ trách. Phát triển vận động thông qua trò chơi có thể tổ chức vào nhiều thời điểm trong ngày và tổ chức được ở mọi nơi, vì vậy có thể cùng một chủ đề nhưng tổ chức nhiều trò chơi khác nhau, lần chơi này sẽ khác với lần chơi trước, nhóm chơi này khác với nhóm chơi kia… để tạo sự mới lạ, tránh sự nhàm chán, giúp trẻ tích cực vận động trong khi chơi.

Giải pháp 8: Tổ chức các hội thi trong hoạt động giáo dục thể chất.

Tổ chức các ngày hội thể dục thể thao, hội thi “Bé khỏe bé ngoan” nhằm khuyến khích phong trào yêu thích thể dục, thể thao, góp phần củng cố và hoàn thiện “kỹ năng, kỹ xảo” vận động ở trẻ.Thông qua các hội thi giúp trẻ được giao lưu học hỏi với các bạn trong trường, góp phần khẳng định những thành tích trong phong trào rèn luyện thân thể, đồng thời là động lực để đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất và tinh thần, mạnh dạn tự tin tham gia các hoạt động, bổ trợ các môn học khác. Phát triển khả năng vận động thô, vận động tinh, khả năng xử lý các tình huống trong cuộc sống.

Giải pháp 9: Phối hợp với phụ huynh để rèn luyện và phát triển kỹ năng vận động cho trẻ

Thông qua hoạt động đón trả trẻ, hội nghị phụ huynh trao đổi với phụ huynh về lợi ích của việc ăn uống đối với sức khỏe của trẻ là ăn uống đầy đủ hợp lý sạch sẽ với con người khỏe mạnh. Thể chất của trẻ không chỉ phát triển ở trường là đủ, mà trẻ phải được rèn luyện ở mọi lúc mọi nơi, do đó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để cùng nâng cao thể chất cho trẻ, để trẻ có một thể chất tốt thì từ đầu năm học tôi đã đưa mục tiêu phát triển thể chất là một trong những mục tiêu nhằm phát triển toàn diện cho trẻ, để có thể thực hiện được những mục tiêu đó, bản thân tôi đã luôn tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về việc chăm sóc sức khỏe của trẻ theo khoa học, vận động phụ huynh cho trẻ ăn bán trú tại trường và triển khai đến từng phụ huynh trong cuộc họp đầu năm. Mặt khác, hàng tháng tôi viết bài tuyên truyền, sưu tầm tranh ảnh treo ở bảng tuyên truyền, tuyên truyền với phụ huynh những vấn đề liên quan đến phát triển thể chất cho trẻ.