Giải pháp giúp trẻ 5 – 6 tuổi phát triển kỹ năng giao tiếp trong hoạt động vui chơi tại lớp Lá 3
Lượt xem:
* Tình trạng giải pháp đã biết: Năm học 2021-2022 tôi được phân công chủ nhiệm lớp 5-6 tuổi tại điểm chính của Trường Mẫu giáo Bình Minh, được nhà trường tin tưởng, phân công giảng dạy lớp gồm 21 cháu, trong đó có 7 cháu đã học qua lớp mẫu giáo nhỡ còn lại các cháu chưa được học qua lớp mẫu giáo nhỡ.
* Thuận lợi:
Ngay từ khi nhận lớp tôi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của ban giám hiệu nhà trường về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và đầu tư về cơ sở vật chất.
Giáo viên có tuổi đời trẻ, ham học hỏi, tích cực nâng cao trình độ chuyên môn, yêu nghề mến trẻ, sống đoàn kết hoà đồng với chị em đồng nghiệp.
Luôn được sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao về chuyên môn của phòng giáo dục huyện, ban giám hiệu.
Trẻ của lớp tôi khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tỷ lệ suy dinh dưỡng và thấp còi không nhiều, trẻ rất ham học hỏi, thích khám phá những điều mới lạ từ cuộc sống hàng ngày.
Một số trẻ đã học qua lớp mẫu giáo nhỡ nên đã có kiến thức và kỹ năng nhất định.
Phụ huynh học sinh các cháu nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi và trò chuyện vui vẻ đến con, nhiệt tình ủng hộ giáo viên trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
* Khó khăn:
Có một số góc chơi thường tập trung quá nhiều trẻ tham gia nên khó khăn cho việc tổ chức và điều hành của cô.
Có nhiều cháu quá hiếu động nên trong quá trình chơi chưa tích cực đến tiến trình hoạt động.
Hầu hết trẻ trong lớp được cha mẹ cưng chiều một số nghịch ngợm quá, chơi với bạn thiếu an toàn, nên ảnh hưởng đến các hoạt động trong ngày và sự an toàn của các cháu.
Nhiều trẻ kỹ năng nghe hiểu, trẻ còn rụt rè, thiếu tự tin trong giao tiếp, kỹ năng lắng nghe và chia sẻ chưa tốt, kỉ năng lễ giáo còn thấp.
Một số phụ huynh của lớp do làm kinh tế nên ít quan tâm đến con em mình mà phó mặc sự chăm sóc giáo dục con cho ông bà và cô giáo. Còn có phụ huynh nhận thức về giáo dục rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho trẻ là không quan trọng mà chỉ là phụ, không quan tâm việc đến trường con mình được học những gì mà chỉ gửi con để đi làm
Do vậy tôi đã tiến hành khảo sát trên 21 cháu trong lớp và kết quả như sau:
Tên hoạt động | Trước khi áp dụng giải pháp | |
Số trẻ | Tỷ lệ % | |
Trẻ có kỹ năng hiểu lời nói | 4/21 | 19% |
Trẻ nhút nhát, ngại giao tiếp | 10/21 | 47,6% |
Trẻ có kỹ năng lắm nghe và chia sẻ | 8/21 | 38,1% |
Trẻ có kỹ năng lễ giáo | 10/21 | 47,6% |
* Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
– Mục đích của giải pháp: Nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp trong hoạt động vui chơi, giúp trẻ có thêm kiến thức về cách ứng xử khi giao tiếp với người lớn, cô giáo, với bạn bè và mọi người xung quanh.
– Nội dung giải pháp: Hoạt động vui chơi là một trong các loại hình hoạt động của trẻ ở trường mầm non mà trẻ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp nhiều nhất. Đây là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo được giáo viên tổ chức, hướng dẫn nhằm giúp trẻ thỏa mãn những nhu cầu chơi và nhận thức, đồng thời nhằm giáo dục và phát triển toàn diện cho trẻ ở lứa tuổi này. Hoạt động góc thật sự là môi trường có nhiều cơ hội giao tiếp và đặt biệt dành riêng cho lứa tuổi mẫu giáo lớn, kỹ năng giao tiếp của trẻ hoàn thiện hơn để trẻ bước vào môi trường mới đó là trường tiểu học. Vì hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo giúp trẻ phát triển toàn diện về ngôn ngữ, tư duy, trí tưởng tượng, óc sáng tạo của trẻ và để thực hiện đúng phương pháp và có cách dạy đảm bảo phù hợp với đặc thù của bộ môn nghệ thuật cho lứa tuổi mầm non, đồng thời có thể tiến hành cách dạy có hiệu quả tốt nhất tôi đặt ra một số giải pháp sau:
- Giải pháp 1: Tạo môi trường hấp dẫn, lôi cuốn trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp.
Tôi tạo cho trẻ môi trường phong phú, hấp dẫn để khi đến trường, điều tác động đầu tiên đến trẻ là môi trường lớp học, là cách trang trí theo từng chủ đề khác nhau. Tôi còn dùng những hình ảnh dễ thương, ngộ nghĩnh để trang trí, nhiều màu sắc rực rở. Đặc biệt lưu ý các góc trẻ có thể phát triển kỹ năng giao tiếp như góc phân vai, góc xây dựng, góc nghệ thuật. Bố trí các góc chơi ồn ào ở xa các góc chơi yên tĩnh nhằm tạo hiệu ứng chơi tốt nhất. Có ranh giới giữa các góc rõ ràng, có lối đi giữa các góc đủ rộng cho trẻ di chuyển. Đặt tên góc sao cho dễ hiểu nhưng hấp dẫn trẻ như: Phòng khám đa khoa, tổ ấm gia đình, em thích làm ca sỉ… Từng thời gian hoặc sau mỗi chủ đề đều thay đổi tranh ảnh, cách bố trí, trang trí các góc và các hoạt động của góc để tạo cảm giác mới lạ, hấp dẫn trẻ.
- Giải pháp 2: Giao tiếp của cô với trẻ và cách hướng dẫn trẻ trong quá trình chơi.
Để hướng dẫn trẻ cách chơi, nhập vai chơi cùng trẻ thì phải có sự giao tiếp trực tiếp giữa cô và trẻ. Cô trò chuyện với trẻ nhẹ nhàng, khi trò chuyện với trẻ cô sử dụng thêm cử chỉ, điệu bộ thích hợp giúp trẻ rèn luyện thêm về ngôn ngữ cơ thể. Khi trẻ mắc lỗi cô không quát to, la mắng trẻ như thế sẽ ảnh hưởng tới tâm lí trẻ, mà cô cần nói giọng nghiêm chỉnh tỏ ra sự không hài lòng, định hướng cho trẻ cách sửa sai và nói lên điều mong muốn của cô.
Tôi nhận thấy ở góc nghệ thuật, góc phân vai, góc xây dựng là các góc trẻ sử dụng kỹ năng giao tiếp nhiều nhất nên tôi đặc biệt quan tâm và rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ trong 3 góc này như sau:
Kỹ năng nghe hiểu: Ở góc nghệ thuật tôi chuẩn bị nhiều đạo cụ âm nhạc, không gian nghệ thuật để trẻ hoạt động. Giới thiệu và trò chuyện cùng trẻ về nội dung các bài hát, cho trẻ lắng nghe các âm thanh, giai điệu khác nhau. Ở góc phân vai, đây là góc dễ dàng gây hứng thú cho trẻ.
Kỹ năng trao đổi: Với vai chơi “bé đi siêu thị” ở góc phân vai tôi hướng dẫn trẻ cách phân vai chơi, trao đổi với nhau để trẻ có thể thể hiện ý muốn của mình thông qua hành động, lời nói.
Kỹ năng chia sẻ hợp tác và ứng xử trong giao tiếp: Với kỹ năng này, ngoài ngôn ngữ lời nói tôi đi sâu vào ngôn ngữ cơ thể như hành động, ánh mắt, nụ cười,…
Điểm nổi bật của giải pháp này là thông qua việc giao tiếp với trẻ và cách hướng dẫn trẻ trong quá trình chơi giúp trẻ dễ dàng nắm bắt được các kỹ năng giao tiếp như nghe hiểu lời nói, kỹ năng lắng nghe chia sẻ, trẻ tự tin mạnh dạn giao tiếp, với hình thức học mà chơi, chơi mà học chứ không gò ép trẻ, không tạo cảm giác trẻ bị ép buộc hoạt động. Giải pháp đã làm trẻ biết cách giao tiếp với mọi người xung quanh, biết tập trung chú ý giao tiếp, biết cách tiếp cận và biết bày tỏ thái độ, quan điểm của mình bằng lời nói, cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, biết cách giải quyết những tình huống trong cuộc sống, biểu đạt những mong muốn, cảm xúc, suy nghĩ, đồng thời biết lắng nghe và hiểu người khác
- Giải pháp 3: Rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi.
Nhằm giúp trẻ rèn luyện kỹ năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống, giáo dục cho trẻ hành vi, thói quen, lễ giáo. Bản thân tôi, thường lồng ghép vào các hoạt động tạo hình, khám phá khoa học- xã hội… Việc lồng ghép các nội dung này vào các tiết học đảm bảo việc trẻ vẫn có thể tiếp thu các kiến thức cô truyền đạt đồng thời có những kỹ năng lồng ghép. Ngoài ra tôi cũng lồng ghép nội dung phát triển kỹ năng giao tiếp trong các hoạt động hằng ngày như: hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều, giờ đón và trả trẻ… Với những trẻ này tôi có thể tăng cường trò chuyện về chủ đề xoay quanh cuộc sống của trẻ, về những việc trẻ đã làm hay về chủ đề học đang thực hiện.
- Giải pháp 4: Phối kết hợp với phụ huynh.
Tôi nhận thấy tất cả những khó khăn trong học tập không thể thiếu được vai trò giải quyết khó khăn của phụ huynh. Tôi thường trao đổi để phụ huynh nắm được tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Vì kỹ năng này có tốt thì trẻ mới có thể dễ dàng tham gia, hòa nhập vào các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày. Tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình tiếp thu và quá trình thể hiện của từng trẻ. Việc này giúp phụ huynh nắm rõ được khả năng của con em mình và có hướng cùng cô giáo dục trẻ. Và có biện pháp giáo dục sâu hơn, kĩ hơn, có cảm xúc và cách thể hiện rõ ràng hơn. Nhờ đó trẻ hứng thú hơn khi cô đưa ra hoạt động.
Điểm nổi bật của giải pháp này là giúp cho giáo viên thêm gần gủi, gắn bó với gia đình trẻ để hiểu hơn về đặc điểm giao tiếp của từng trẻ. Đồng thời gia đình cũng hiểu thêm những cách tiếp cận mới để làm cho con em mình phát triển kỹ năng giao tiếp khi ở nhà thống nhất với cách dạy của giáo viên ở lớp. Từ đó hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn.