Giải pháp giúp trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè góp phần hình thành nhân cách trẻ tại lớp lá 2

Lượt xem:

Đọc bài viết

Việc giúp trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè góp phần hình thành nhân cách trẻ là một việc làm mà người giáo viên phải chú trọng và đặt lên hàng đầu. Muốn đạt kết quả tốt thì điều đầu tiên là giáo viên phải tìm hiểu thực trạng và tìm tòi sách báo để bổ sung kiến thức cho bản thân rồi đưa ra kế hoạch cụ thể. Tiếp theo là xây dựng môi trường học tập phong phú, thoải mái thu hút trẻ, có như vậy khi trẻ tham gia vào các hoạt động học trẻ sẽ tiếp thu nhanh hơn.Trong các hoạt động học, họat động vui chơi, trải nghiệm hay ngoại khóa thì giáo viên cũng lồng ghép tích hợp giáo dục trẻ biết quan tâm và chia sẽ với người thân và bạn bè. Để thành công hơn nữa thì bước cuối cùng là giáo viên phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ từ nhà đến trường – từ trường về nhà. Từ đó nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của bản thân, đồng nghiệp, tạo ra một môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, giúp trẻ hứng thú và góp phần hình thành nhân cách trẻ.

1. Tình trạng giải pháp đã biết

Hiện nay, mỗi đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương bảo bọc của cha mẹ và kèm theo đó là sự kì vọng vô cùng lớn lao của ông, bà, cha, mẹ và người thân. Nhưng, chính sự yêu thương chăm sóc vô điều kiện đó lại làm cho đứa trẻ ghĩ rằng; “À! Chuyện đó là chuyện tất nhiên, là mình là trung tâm, mọi người phải quan tâm mình cơ! Và mình không cần đáp trả lại!”.Và khi đến trường trẻ cũng nghĩ như thế, các bạn phải nhường nhịn mình, các bạn phải quan tâm mình, vì thế chuyện giành giựt đồ chơi, đồ ăn sẽ thường xuyên xảy ra, thậm chí trẻ không thèm quan tâm lẫn nhau, mình là nhất. Để con trẻ biết quan tâm, chia sẻ với mọi người là 1 điều không đơn giản nhưng nó cũng không quá phức tạp. Đó là một quá trình rèn giũa lâu dài, bắt đầu từ những định hướng của cha mẹ, ông bà và những người thân trẻ khi con còn nhỏ và kết hợp sự giáo dục ngoài cộng đồng và đặc biệt là của giáo viên  chủ nhiệm.

* Ưu điểm:

        Được sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của Ban giám hiệu nhà trường, được phân công giảng dạy trong điều kiện có hỗ trợ đủ các phương tiện trong chăm sóc và giáo dục trẻ. 

Bản thân là giáo viên được đào tạo chính quy với  gần 10 năm giảng dạy tôi hiểu được nhu cầu, khả năng, cách chăm sóc, những mong muốn của trẻ từ và xử lí những tình huống hàng ngày trên lớp, từ đó giúp trẻ có những khái niệm  và khả năng chính xác hơn về cuộc sống xung quanh có nhiều cảm xúc khác nhau, góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện nhân cách của từng trẻ.

* Hạn chế:

Tuy nhiên qua khảo sát các hoạt động đầu năm tôi nhận thấy một số trẻ (khoảng 30%) lớp tôi thường hay cãi nhau, tranh dành đồ chơi, đồ ăn, tỏ ra không hợp tác cùng bạn và cô thậm chí còn thờ ơ khi bạn bị vấp ngã hay lúc bạn đang gặp khó khăn.

Một số ít phụ huynh chỉ quan tâm việc trẻ đi học về là phải biết đọc chữ, biết đọc số, họ quan trọng thành tích chứ không quan tâm đến giáo dục con mình là phải biết quan tâm, chia sẻ tình cảm hoặc là đồ chơi của mình cho bạn bè và những người xung quanh, thậm chí hợp tác dành những đồ chơi hoặc chọn những gì mà trẻ thích về cho con của mình.

        Với cái tâm của một giáo viên, tình yêu thương luôn hướng vào trẻ, tôi cảm thấy bất an và mong muốn tháo gỡ nút thắt trong lòng, vì thế tôi không ngừng suy nghĩ và học hỏi để tìm ra những phương pháp và cách làm tối ưu nhất để giúp các bé biết quan tâm, chia sẻ tình cảm cũng như đồ chơi… với bạn bè và người thân và đây cũng là động lực thôi thúc để tôi chọn đề tài:“Giải pháp giúp trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè góp phần hình thành nhân cách trẻ tại lớp lá 2 Trường Mẫu Giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang”.

2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến

– Mục đích của giải pháp:

Nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và tìm hiểu về một số thực trạng đối với giáo viên mầm non trong việc giáo dục hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ.

Mở rộng thêm biện pháp giúp cho các chị em đồng nghiệp có thêm kiến thức trong việc dạy trẻ biết quan tâm, chia sẻ với người thân và bạn bè.

Mục tiêu quan trọng là giúp trẻ hình thành và phát triển nhân cách, đặc biệt là trẻ biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè về tình cảm cũng như những thứ khác mà trẻ có.

– Nội dung giải pháp: Việc giáo dục trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi biết quan tâm chia sẻ với người thân và bạn bè góp phần hình thành nhân cách sẽ tạo ra môi trường học tập thân thiện, những tình huống để gợi lên ở trẻ những hành vi đạo đức tốt đẹp, dạy cho trẻ biết cách quan tâm, chia sẻ từ nhỏ sẽ là những bước nền tảng để trẻ trở thành người có nhân cách tốt trong tương lai.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên thì bản thân tôi đã đề ra một số giải pháp như sau:

Giải pháp 1: Tìm hiểu thực trạng, đưa ra kế hoạch cụ thể

– Để có những kế hoạch hoàn chỉnh và mang lại kết quả tối ưu. Bản thân tôi đã tìm hiểu, tìm ra nguyên nhân và hiểu thực trạng lớp tôi. Và tất nhiên là việc trẻ thường hay cãi nhau, dành đồ chơi trong lớp không phải 100% các trẻ đều như thế mà chỉ là khoảng 30% trẻ. Và những trẻ này là những trẻ được ba mẹ nuông chiều, gia đình có điều kiện.

Biết được thực trạng thì tôi tiếp tục tìm hiểu, tìm tòi trao dồi những kiến thức có liên quan, xem những video về kĩ năng sống, đọc những quyển sách về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ 5- 6 tuổi, tìm ra điểm mấu chốt của vấn đề.

 Và cuối cùng là vạch ra kế hoạch cụ thể. Đây giải pháp mới giúp người giáo viên tìm ra được những trở ngại thật sự và đặt ra những yêu cầu cần thiết khi giáo dục trẻ trong các hoạt động giảng dạy, tránh tình trạng lan mang làm mất nhiều thời gian mà bài giảng không đạt được hiệu quả như  mong muốn, tuy nhiên tuỳ thuộc vào tính chất của mỗi hoạt động học mà đặt ra những yêu cầu khác nhau, nếu đáp ứng được những nhu cầu đó thì đó là một điều tuyệt vời.

Giải pháp 2: Xây dựng môi trường lớp học “Thoải mải – Thu hút”

Thực hiện phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, “Giáo dục không chỉ chuẩn bị cho cuộc sống mà giáo dục phải chính là cuộc sống của trẻ”. Không gian lớp học cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giáo dục trẻ mẫu giáo, việc chung tay xây dựng môi trường sống và học tập thân thiện trong trường mầm non cho trẻ là trách nhiệm của giáo viên. Với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, sự tham gia của trẻ chính là chủ thể của quá trình giáo dục nên tôi đã tận dụng tối đa những sản phẩm của trẻ để trang trí và trưng bày ở các góc. Tôi có thể trưng bày theo nhóm, vì cách trưng bày này sẽ giúp trẻ suy nghĩ rằng: “Mình phải cố gắng hoàn thành sản phẩm đẹp, không những thế sản phẩm của mình và của bạn cũng trưng bày như nhau, nên mình phải tôn trọng giữ gìn sản phẩm lẫn nhau. Từ đó vô tình hình thành sự quan tâm của trẻ dành cho các bạn trong nhóm là “phải bảo vệ những sản phẩm của nhóm chúng ta”.

       Giải pháp 3: Giáo dục tích hợp thông qua một số lĩnh vực phát triển

Lĩnh phát triển tình cảm xã hội:

Hoạt động giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội hướng đến mục tiêu giúp trẻ nhận biết và thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình đối với mọi người và với sự vật xung quanh, hình thành cho trẻ những hành vi, quy tắc ứng xử, những chuẩn mực đạo đức của xã hội, giúp trẻ sống lành mạnh, tích cực.

Ví dụ: Khi cho trẻ tìm hiểu về ngày tết cổ truyền của người Việt Nam, khi cô giáo đã truyền thụ hết kiến thức cho trẻ rồi, cô có thể tích hợp một hoạt động nho nhỏ. Thì lúc này, giáo viên khéo léo truyền đạt đến trẻ thông điệp biết chia sẻ, cảm thông, yêu thương và giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn hơn mình. Các bé đặt trọn tình cảm của mình vào các hoạt động có ý nghĩa nhân dịp xuân về: vẽ tranh mùa xuân, trang trí bao lì xì dành tặng cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cùng vui đón Tết.

Lĩnh phát triển ngôn ngữ: Ban đầu, trẻ tiếp xúc với thơ ca chỉ là sự cảm nhận nhịp điệu, rồi đến vần. Sau đó, trẻ sẽ dần dần hiểu hơn về ý nghĩa của từng từ, liên hệ nội dung của bài thơ đến cuộc sống.

Hơn nữa, những bài thơ hay cô lồng ghép các nội dung phong phú linh hoạt và nâng cao năng lực tư duy ngôn ngữ của trẻ, khiến trẻ dần xây dựng sự nhạy bén về ngôn ngữ, cảm nhận bằng cảm xúc và các giác quan của mình từ bài thơ giáo viên giúp trẻ liên hệ thực tế với bản thân mình.

        Ví dụ: Cô dạy bé bài thơ “Tình bạn” Cô có thể hỏi bé những câu hỏi: Lớp chúng mình hôm nay vắng ai? Tại sao bạn không đi học? Khi biết bạn của mình bị ốm các con cảm thấy thế nào ? Tại sao?…  Mỗi lần như vậy bé sẽ tư duy để vận dụng những kinh nghiệm bản thân và ngôn ngữ của mình để trẻ nêu cảm nghĩ của mình khi được giúp bạn.Và tất nhiên những câu trả lời của bé sẻ xuất phát từ lòng yêu thương thực sự trong trái tim trẻ, trẻ bắt buộc phải liên hệ thực tế rằng: nếu bạn bị ốm mình sẽ giống các bạn trong bài thơ là mình sẽ hỏi thăm bạn, quan tâm bạn như là Gấu, Nai, Hươu quan tâm đến Thỏ vậy ! vì đó là hành động đẹp, được cô khen, là động lực để bạn mau khỏi bệnh. Như vậy giúp trẻ hiểu được rằng, quan tâm người khác lại làm bản thân mình vui đến như vậy!

Hoặc là, trong tiết kể chuyện cho bé nghe: Cô kể câu truyện cậu bé “Tích Chu” Cô sẽ nhấn mạnh những câu hỏi: Vì sao bà của Tích Chu lại hóa thành chim bay đi? Thì trẻ sẽ trả lời theo tình tiết câu truyện là cậu chỉ biết mãi ham rong chơi cùng chúng bạn mà không quan tâm đến người bà. Và tất nhiên là trẻ sẽ nghĩ trong đầu nếu mình là Tích Chu mình sẽ không như thế!Thông qua truyện, các bé sẽ học được bài học về sự quan tâm, yêu thương mọi người, nhất là những người trong gia đình của mình. Đặc biệt, phải biết vâng lời người lớn và không được ham chơi. Từ đó, cô sẽ giáo dục trẻ là phải biết quan tâm những người thân của mình bằng những hành động nhỏ nhất.

Lĩnh vực phát triển thẩm mĩ

Trong hoạt động âm nhạc, khi cô đã dạy trẻ phần múa minh họa và nghe hát, tiếp theo là phần trò chơi. Ví dụ hôm nay lớp chơi trò: Ai nhanh nhất, cô sẽ cho trẻ hát đi vòng tròn xung quanh ghế, khi cô bảo “Tìm ghế tìm ghế” thì ai nhanh sẽ tìm cho mình chổ ngồi, thường thì các bạn sẽ chơi rất hăng say, và có khi còn vì dành ghế mà sẵn sàng xô đẩy bạn mình. Vì thế trước khi chơi cô sẽ giáo dục, nhắc nhở thông qua luật chơi, nếu bạn nào dành  ghế nhanh và trong khi chơi không được chen lấn xô đẩy bạn khác thì bạn đó mới là người chiến thắng thật sự. Từ đó, trẻ sẽ có ý thức rằng: à mình chơi phải cẩn thận, nhìn xung quanh quan sát các bạn tránh làm bạn ngã. Dù là một hành động nhỏ, nhưng đối với trẻ con thì đó là một việc có ý nghĩa rồi, trẻ đã ý thức được những gì cô giáo dục và không phạm phải cái sai nữa, trẻ sẽ quen dần và nhân cách tốt cũng dần dần hình thành từ những hành động nhỏ ấy.

     Giải pháp 4: giáo dục trẻ thông qua hoạt động vui chơi – ngoại khóa

     Vì vui chơi là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo.Trẻ “Học mà chơi, chơi mà học” Các đặc điểm tâm lý mới, các nét tính cách mới của trẻ được hình thành chủ yếu do hoạt động chủ đạo này. Vì vậy trong công tác giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ, trò chơi là một phương tiện giáo dục mạnh mẽ nhất.

      Ví dụ: Khi cho trẻ tham gia vào hoạt động góc, trẻ sẽ vào vai chơi, đóng vai mẹ con thì trẻ sẽ hiểu rằng Mẹ là thương yêu chăm sóc con, con thì phải biết lễ phép, tôn trọng, quan tâm chia sẽ với mẹ mình. Hoặc là vào vai chơi bạn bè cùng chơi nấu ăn, thì cô sẽ giáo dục các bạn là phải biết đoàn kết, chia sẻ đồ chơi cho nhau, không dành của bạn, có như vậy tình bạn của các con mới là tình bạn đẹp.

      Hoặc là trong các hoạt động chiều, luôn tìm ra những trò chơi có tổ chức hoặc xử lý tình huống cụ thể như: “Rung chuông vàng” “ai đúng –ai sai”…., cô sẽ đưa ra tình huống trình chiếu trên ti vi, trẻ nào có câu trả lời hay, chính xác sẽ được thưởng, tình huống với nhiều nội dung khác nhau như: Bạn Nam đi học đánh bạn, trong giờ ra chơi còn dành bánh của bạn Huy, về nhà thì mách mẹ với rằng Huy không cho ăn bánh, và khi đi học về Nam không thèm thưa ba mẹ. Theo các con thì bạn Nam trong tình huống vừa rồi như thế nào?. Nếu con là bạn Nam thì con sẽ làm gì ? Và con khuyên bạn Nam điều gì ?… Với trẻ mầm non khả năng giao tiếp tốt trong tập thể giúp trẻ thích nghi dễ dàng, nhanh chóng với môi trường mới, thầy cô, bạn bè mới, và những đòi hỏi mới của hoạt động học tập, ý thức và tin thần tập thể sẽ giúp trẻ tránh được những xung đột không đáng có giữa trẻ với nhau, giữa trẻ với thầy cô, lảm nảy sinh ở trẻ lòng vị tha, sự quan tâm đến người khác và trên cơ sở phát triển những mối quan hệ thân thiết, gần gũi, cảm thông giữa trẻ với những người xung quanh. Tất cả những điều này tác động một cách tích cực lên trẻ, làm cho trẻ cảm thấy hứng thú, muốn giao tiếp với cô, bạn bè và muốn học.

     Trong hoạt động ngoại khóa: “Ngày 8/3 cùng trẻ” Trước ngày tổ chức lễ hội giáo viên cùng trẻ trò chuyện về ý nghĩa ngày 8/3, đưa ra ý định, hình thức tổ chức và thăm dò ý kiến  của trẻ về món quà tặng mẹ, tặng bà, tặng chị. Đến ngày 8/3 tổ chức cho các con tham gia hoạt động ngoại khóa làm quà tặng mẹ, tặng bà bằng các nguyên vật liệu khác nhau như: sưu tầm nắp chai nhiều màu sắc để cho trẻ ghép thành những bông hoa, hoặc là tìm lá cây khô cắt dán thành  những hộp quà, những tấm bưu thiệp được trang trí bằng đôi tay của trẻ để làm quà tặng mẹ, tặng bà của mình. Đó chính là thể hiện sự quan tâm, biết ơn của các bé đối với người bà, người mẹ yêu quý của mình.

Giải pháp 5: Phối hợp với phụ huynh

Thực tế có nhiều trường hợp phụ huynh đau đầu vì hàng ngày vẫn nghe “điệp khúc” tranh giành của trẻ. Bên cạnh đó không ít bậc cha mẹ mang tâm lý rằng sẻ chia, nhường nhịn sẽ chịu thiệt thòi nên đôi khi sẽ lờ đi khi nhìn thấy dấu hiệu tranh giành và nghĩ rằng đó chỉ là chuyện trẻ con.Tuy nhiên cách dạy con biết thấu hiểu và biết quan tâm chia sẻ yêu thương mọi người xung quanh không hề là chuyện đơn giản đối với các bậc phụ huynh.

      Nhận thức được điều đó, tôi mạnh dạn xin ý kiến với Lãnh đạo nhà trường, cho phép tôi tổ chức buổi giao lưu cùng với phụ huynh trao đổi, tọa đàm với không khí vui vẻ, thoải mái và chia sẻ những kinh nghiệm trong thực tế và qua các video ngắn có nội dung mang tính giáo dục tốt và xấu sau những hành động của các bé qua cuộc sống hàng ngày hoặc các tình huống mà tôi đã gặp và gợi hỏi các phụ huynh để nêu ra các cách giải quyết tốt nhất.

      Để dạy các trẻ những nguyên tắc cơ bản của việc xây dựng tính cách như làm việc theo nhóm, lòng vị tha, trung thực, có tinh thần trách nhiệm và sự tôn trọng.Thường xuyên cho trẻ tham gia vào những công việc phù hợp lứa tuổi của trẻ, để trẻ tự xử lí sau các hành động của mình làm mà có sự giám sát của người lớn, nếu cần thiết thì phụ huynh hay giáo viên sẽ là sứ giả hòa bình trong các cuộc xung đột của trẻ. Tuyệt đối không bênh vực hay la mắng trẻ trước mặt bạn, không là chỗ dựa khi biết trẻ sai. Điều này giúp trẻ có ý thức và trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ sẽ cảm thấy mình cũng là thành viên tích cực và có ích trong gia đình.

Các bậc phụ huynh và cô giáo có ảnh hưởng nhiều nhất đối với trẻ, luôn là những tấm gương cho trẻ nhìn vào và học tập. Cha mẹ phải làm gương và để ý hành vi đối với bạn bè và họ hàng là một cách hiệu quả để dạy trẻ biết thế nào là sống tốt với mọi người, hãy làm gương tốt. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần là người bạn đồng hành cùng chí hướng để việc chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả. Tránh tình trạng “trống đánh xuôi mà kèn thổi ngược”. Bản thân tôi sẽ phối hợp với phụ huynh, giúp phụ huynh nắm được phương pháp giáo dục của nhà trường, thông qua đó phụ huynh sẽ hiểu rõ những hoạt động của trẻ ở lớp và có thể tham gia đánh giá sự phát triển của trẻ. Và quan trọng hơn là phụ huynh có điều kiện tiếp xúc với môi trường học tập sinh hoạt của trẻ, có điều kiện gần gũi với các cô giáo từ đó tạo sợi dây liên kết giữa gia đình và nhà trường, giúp trẻ được sống trong một môi trường giáo dục tốt, qua đó còn dạy cho trẻ bài học cần phải có mối quan hệ tích cực với những người xung quanh, góp phần hình thành nhân cách tốt cho trẻ.