Giải pháp phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ lớp Lá 5
Lượt xem:
– Mô tả bản chất của sáng kiến: Để phát triển khả năng phát âm từ ngữ diễn đạt, sự chủ động của trẻ trong việc sử dụng ngôn ngữ linh hoạt của mình trong giao tiếp với mọi người một cách tốt nhất bản thân tôi đã tìm ra một số biện pháp sau: Tạo môi trường giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua hoạt động góc, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm, phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua việc phối hợp với phụ huynh.
1. Tình trạng giải pháp đã biết
* Ưu điểm:
– Phòng học được thiết kế rộng rãi thoáng mát có đầy đủ không gian để trẻ hoạt động một cách hiệu quả và an toàn nhất. Nhà trường cũng đầu tư mua sắm các trang thiết bị, cơ sở vật chất, đồ dùng đồ chơi đầy đủ để phục vụ cho công tác dạy và học đạt được kết quả cao.
– Tổ chuyên môn xây dựng đầy đủ và khoa học kế hoạch rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ phù hợp với độ tuổi theo từng chủ đề của năm học.
– Đội ngũ giáo viên của trường đạt chuẩn trình độ chuyên môn, luôn nhiệt huyết, tạo điều kiện để trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp của mình một cách an toàn và hiệu quả nhất.
– Phụ huynh có sự phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường chia sẽ tình hình học tập của trẻ ở nhà và thường xuyên dành thời gian trao đổi với giáo viên những biện pháp tốt nhất để giáo dục kỹ năng giao tiếp cho trẻ.
* Hạn chế:
– Trẻ cùng một độ tuổi nhưng khả năng tư duy và tiếp thu của trẻ không đồng đều, một số trẻ chưa học qua lớp 4-5 tuổi nên việc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ còn gặp nhiều khó khăn.
– Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc giáo dục trẻ ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh làm ăn xa, ít dành thời gian giao tiếp với trẻ nên việc phối hợp với phụ huynh phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ còn gặp không ít khó khăn.
2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
– Mục đích của giải pháp: Phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ, phát triển kỹ năng nghe, hiểu ngôn ngữ, trình bày logic, có trình tự, chính xác trong giao tiếp.
– Nội dung giải pháp: Để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ trong các hoạt động hàng ngày bản thân tôi đã tìm ra các giải pháp phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ như sau:
Giải pháp 1: Tạo môi trường giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi.
– Rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ mọi lúc mọi nơi là vô cùng cần thiết. Bởi mỗi hoạt động trẻ sẽ lại học được nhiều bài học mới cho bản thân với nhiều hình thức đa dạng và phong phú giúp trẻ thích thú hơn.
– Trong giờ đón trả trẻ tôi luôn tạo không khí vui vẻ, lôi cuốn trẻ để trẻ cảm thấy hào hứng khi đến trường trẻ cảm nhận được sự gần gũi với cô. Thông qua hình thức trò chuyện với trẻ sẽ cung cấp vốn từ và phát triển ngôn ngữ cho trẻ đặc biệt là ngôn ngữ mạnh lạc. Vào giờ học tôi luôn tạo tình huống để trẻ giao lưu với nhau, tạo không khí vui tươi thoải mái trong giờ học.
– Những giờ vui chơi tự do tôi cũng tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp với nhau như cho trẻ chơi trò chơi “ giới thiệu bản thân” trẻ tự lên giới thiệu về tên tuổi của mình, sở thích, giới tính cho các bạn cùng nghe và cùng trò chuyện với các bạn về sở thích, ước mơ của các bạn. Ở trò chơi này rèn luyện kỹ năng thuyết trình, mạnh dạn tự tin khi giao tiếp trước đám đông.
Giải pháp 2: Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua lĩnh vực phát triển ngôn ngữ.
– Lĩnh vực phát triển ngôn ngữ tạo ra môi trường giao tiếp phong phú cho trẻ. Đây là hoạt động cơ bản giúp trẻ rèn luyện, thực hành, nó có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển nhân cách, chuẩn bị cho trẻ bước vào trường tiểu học trong mọi lĩnh vực nhất là phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp.
– Dạy trẻ đọc thơ là một trong những phương pháp rèn luyện ngôn ngữ nói cho trẻ. Khi trẻ đọc thuộc lòng thơ trẻ sẽ làm cho ngôn ngữ của mình thêm sinh động, uyển chuyển, biểu cảm giúp trẻ thể hiện tình cảm, suy nghĩ của tác giả.
+ Để trẻ cảm thụ tốt ngôn ngữ của câu thơ, điều quan trọng nhất là phải đọc diễn cảm, thể hiện nhịp điệu, âm điệu và sắc thái của bài thơ. Tôi tập đọc diễn cảm và thuộc bài thơ trước khi đọc cho trẻ nghe.
+ Trò chuyện với trẻ về nội dung bài thơ, giải thích những từ khó, ý của các câu thơ kết hợp với tranh minh họa. Tôi đọc cho trẻ nghe nhiều lần sau đó cho trẻ đọc thơ theo cá nhân, theo nhóm, luyện cho trẻ cách đọc diễn cảm.
+ Khi dạy trẻ đọc thơ tôi chú ý nghe trẻ đọc và sữa sai cho trẻ động viên trẻ để trẻ đọc tốt hơn, khuyến khích trẻ thi đua giữa các tổ với nhau để trẻ cố gắng đọc tốt hơn.
– Trong hoạt động dạy trẻ kể chuyện để giúp trẻ kể lại và nhớ được nội dung chuyện một cách tốt nhất ngoài việc đọc kể cho trẻ nghe tôi còn ứng dụng thêm công nghệ thông tin vào trong giảng dạy để mang lại kết quả tốt nhất.
+ Khi kể chuyện cho trẻ nghe tôi cũng chú ý đến giọng điệu của các tuyến nhân vật trong truyện để trẻ được tiếp xúc với giọng kể hay với ngôn từ phong phú và đúng với tính cách nhân vật, qua đó trẻ biết nhận xét, đánh giá về đặc điểm tính cách của nhân vật thông qua ngôn ngữ nói của mình.
+ Khi cho trẻ kể lại chuyện theo tranh tôi sử dụng tranh có kích thướt phù hợp, hình ảnh nhân vật rõ ràng, sống động, đẹp mắt, nội dung chuyện ngắn gọn, rõ ràng giúp trẻ dễ ghi nhớ nội dung chuyện và lời thoại của các nhân vật để trẻ thoải mái sử dụng ngôn ngữ sáng tạo bằng giọng kể của mình.
Qua hoạt động làm quen với tác phẩm văn học giúp trẻ học tập được nhiều vốn từ mới và hình thành cho trẻ sự tự tin và kỹ năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt trong giao tiếp hằng ngày.
Giải pháp 3: Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua hoạt động góc.
Đối với lứa tuổi mẫu giáo hoạt động vui chơi là hoạt động đóng vai trò chủ đạo, hoạt động vui chơi tạo ra nhiều cơ hội để trẻ giao tiếp với nhau đặc biệt là trong hoạt động góc. Hoạt động góc có nhiều vai chơi để trẻ thể hiện và trẻ được tự lựa chọn vai chơi mà mình yêu thích từ đó trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và thể hiện thật tốt vai chơi của mình.
Khi bố trí các góc chơi tôi luôn phân chia ranh giới giữa các góc rõ ràng, sử dụng các giá tủ để chia khoảng cách giữa các góc chơi để trẻ dễ dàng hoạt động và giao tiếp với nhau trong quá trình chơi.
– Góc phân vai đây là góc dễ dàng tạo sự hứng thú cho trẻ. Khi rèn kĩ năng nghe, hiểu cho trẻ, cô hướng trẻ chơi như cô giáo, đầu bếp,…để từ đó trẻ nhập vào các vai chơi một cách tự nhiên và sáng tạo.
– Góc bác sĩ trẻ biết khám bệnh cho bệnh nhân, trò chuyện với bệnh nhân về tình trạng sức khỏe từ đó sẽ nảy sinh ra các vấn đề, kỹ năng giao tiếp mà trẻ ứng phó với nhau trong quá trình chơi.
– Góc nghệ thuật sẽ có đầy đủ các đạo cụ âm nhạc, không gian nghệ thuật để cho trẻ hoạt động. Cô giới thiệu và trò chuyện cùng trẻ về các bài hát, cho trẻ lắng nghe các âm thanh, giai điệu khác nhau. Rèn luyện kĩ năng nghe cho trẻ. Thông qua các câu hỏi, trò chuyện với trẻ giúp trẻ nhớ lại các bài hát mà trẻ đã được học, trẻ mạnh dạn trả lời, biễu diễn và nêu lên những suy nghĩ của mình một cách phù hợp.
Qua hoạt động góc trẻ được tương tác với bạn bè ở nhiều góc chơi khác nhau từ đó trẻ hình thành được các kỹ năng giao tiếp tốt và trẻ còn học hỏi được những vốn từ mới từ bạn bè, những kiến thức ở các góc chơi khác mà trẻ chưa biết.
Giải pháp 4: Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua hoạt động trải nghiệm.
Trẻ mầm non là lứa tuổi rất thích tìm tòi và khám phá những thứ xung quanh. Vì thế cho trẻ được tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ khám phá được nhiều điều mới lạ. Trẻ được “Học mà chơi – chơi mà học”, hoạt động này đã tạo cho các bé niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khi được tiếp xúc với các tình huống trong thực tế trẻ sẽ dễ dàng thể hiện cảm xúc, những kỹ năng xử tình huống của mình. Hoạt động thực hành, trải nghiệm vừa giúp trẻ mạnh dạn, vừa cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết trong giao tiếp cho trẻ. Trẻ sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi…) để có thể tăng khả năng lưu giữ những điều đã tiếp cận được lâu hơn. Trẻ được học ngay tại sân trường, khám phá những hiện tượng, sự vật có ngay trong khuôn viên của nhà trường như hoạt động khám phá về nước, sỏi, cát, hoạt động trồng cây, thu hoạch rau,….trẻ học được qua chơi, thực hành, quan sát mình làm, bạn làm. Nắm bắt rõ điều này nhà trường và tập thể giáo viên đã có những hoạt động trải nghiệm hết sức ý nghĩa bổ ích cho trẻ. Để các hoạt động giáo dục trẻ được an toàn và đạt hiệu quả cao nhất thì giáo viên luôn đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho trẻ về cả thể chất lẫn tinh thần. Giáo viên luôn xây dựng chương trình, nội dung phát triển trẻ hướng đến các mục tiêu phát triển cụ thể: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí của trẻ. Các đồ chơi, công cụ, vật liệu…luôn được chú ý tới kích cỡ vừa độ tuổi của trẻ, không gây nguy hiểm cho trẻ.
Giải pháp 5: Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua việc phối hợp với phụ huynh.
Môi trường giao tiếp và sự tác động của người lớn rất quan trọng với sự phát triển khả năng giao tiếp của trẻ. Không những rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ thông qua việc học tập ở trường cùng với cô mà ba mẹ phải phối hợp với giáo viên thường xuyên trò chuyện, vui chơi và hoạt động cùng với trẻ trong thời gian ở nhà để kích thích khả năng tư duy và cách sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của trẻ qua đó giúp trẻ học tập và giao tiếp một cách tự nhiên hơn. Khi đưa con đi chơi công viên, nhà sách hay thăm hỏi những người thân, bé sẽ có dịp làm quen với nhiều người, học cách ghi nhớ phải xưng hô như thế nào, trả lời các câu hỏi ra sao, khi ra về phải nói những gì,.. dần dần, bé sẽ có thói quen giao tiếp đúng. Trẻ em thường bắt chước rất nhanh. Việc phối hợp của phụ huynh cùng với thầy cô là rất cần thiết vì vậy người lớn phải có kỹ năng giao tiếp tốt, ứng xử khéo léo với trẻ. Người lớn cần là tấm gương sáng để trẻ học hỏi, noi theo. Trẻ nhỏ còn phát âm chưa chuẩn, diễn đạt chưa đúng, lúc này không chỉ cô giáo mà ba mẹ cũng chính là nguồn động viên cần thiết nhất cho trẻ. Mỗi câu chuyện kể cho con, ba mẹ hãy kiên nhẫn lắng nghe, nếu điều gì con làm chưa đúng hoặc phát âm chưa chuẩn, có thể chỉ bảo cho con biết và hướng dẫn con làm những điều đúng đắn.