Giải pháp rèn luyện kỹ năng hát vận động theo nhạc lĩnh vực phát triển thẩm mỹ cho trẻ 3 – 4 tuổi

Lượt xem:

Đọc bài viết

1. Tình trạng giải pháp đã biết:

Chương trình Giáo dục mầm non hiện nay có nhiệm vụ phát triển toàn diện nhân cách trẻ qua 5 lĩnh vực: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – kỹ năng xã hội, thẩm mỹ. Riêng lĩnh vực phát triển thẩm mỹ được xem là lĩnh vực đặc biệt quan trọng là cơ sở để trẻ lĩnh hội tốt hơn các mặt giáo dục khác, nhất là phát triển nhận thức và tình cảm và kỹ năng xã hội.

Trong đó, hoạt động hát nhạc là một hoạt động nghệ thuật, nó có chức năng đặc trưng phát triển thẩm mỹ cho trẻ: Giúp trẻ cảm nhận cái đẹp, phát triển xúc cảm, tình cảm thẩm mỹ, phát triển khả năng sáng tạo cái đẹp, đồng thời phát triển năng khiếu nghệ thuật cho trẻ.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh covid hoành hành vừa qua đã gây khó khăn không thể dạy trẻ trực tiếp được mà các giáo viên tư vấn trao đổi chia sẽ kiến thức nuôi dạy trẻ nói chung và hướng dẫn phụ huynh dạy hát cho trẻ nói riêng thông qua trao đổi hằng ngày qua điện thoại và ứng dụng zalo như: Tư vấn, tạo video clip dạy học các môn để gởi cho phụ huynh học cùng trẻ mỗi ngày. Việc này khiến giáo viên không thể giảng dạy và đánh giá trẻ trực tiếp mà phải thông qua phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để giáo dục trẻ. Xét thấy tình hình đơn vị có những ưu điểm và hạn chế trong giảng dạy âm nhạc như sau:

* Ưu điểm:

Bản thân có chút năng khiếu về âm nhạc, có trình độ chuyên môn trên chuẩn, có phong cách sư phạm tốt, có tinh thần học hỏi cái mới và yêu văn nghệ, thích biên đạo múa các bài hát cho thiếu nhi và có thị hiếu thẩm mỹ lựa chọn các trang phục đạo cụ múa hát phù hợp.

Nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho các giáo viên, khuyến khích các giáo viên năng động sáng tạo trong giảng dạy và sẵn sàng thực hiện các đề xuất chính đáng và phù hợp của giáo viên trong điều kiện khả thi đặc biệt là các đề xuất liên quan đến môn âm nhạc, phát triển thẩm mỹ cho trẻ,…

Đa số trẻ phát triển đồng đều, nhanh nhẹn, thông minh, đi học đúng độ tuổi, có hoàn cảnh gia đình tương đối ổn định.

* Hạn chế:

Trẻ chưa biết cách thể hiện một tác phẩm âm nhạc làm sao cho thẩm mỹ (hát chưa rõ lời, hát nhỏ, chưa tự tin, chưa diễn cảm khi vận động minh hoạ bài hát,…).

Phụ huynh chưa biết cách lựa chọn những tác phẩm âm nhạc có nội dung giáo dục thẩm mỹ phù hợp với nhận thức của trẻ 3- 4 tuổi. Chưa quan tâm chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng biểu diễn tác phẩm âm nhạc cho trẻ mọi lúc mọi nơi và chưa biết cách khuyến khích trẻ diễn mạnh dạn, tự tin.

Qua xem xét tình hình đơn vị với những ưu điểm và hạn chế trên, bản thân nhận thấy việc đề ra các giải pháp hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn trên là vô cùng cần thiết. Vì thế, tôi chọn đề tài: “Giải pháp rèn luyện kỹ năng hát theo nhạc lĩnh vực phát triển thẩm mỹ cho trẻ 3 – 4 tuổi. trường Mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang” để áp dụng thực hiện tại đơn vị.

2 Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:

– Mục đích của giải pháp: Tìm ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển thẩm mỹ cho trẻ 3- 4 tuổi thông qua môn âm nhạc trong tình hình mùa dịch phức tạp đồng thời tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc phát triển thẩm mỹ qua môn hát nhạc cho trẻ.

– Nội dung giải pháp:

Giải pháp 1: Giáo viên tự bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin thiết kế giáo án điện tử, video clip dạy âm nhạc cho trẻ.

Sau khi học tập tự nghiên cứ tôi đã thiết kế thành công các video clip dạy học trực quan hấp dẫn cho trẻ theo các chủ đề và gởi cho phụ huynh cùng dạy trẻ. Cụ thể các bước thực hiện một video clip như sau:

Bước 1: Tự quay video bằng điện thoại để bắt đầu vào hoạt động 1: Cô chào hỏi giới thiệu chủ đề/đề tài và giới thiệu vào bài trực tiếp: Ví dụ: Chào quý phụ huynh và các bé! Hôm nay chúng ta học đến chủ đề những con vật đáng yêu đấy, cô đố các con “Con gì 2 vây? Bơi trong bể nước?” (à,đó là con cá vàng đấy) đến với môn âm nhạc hôm nay, cô sẽ dạy chúng ta bài hát: “Cá vàng bơi” nha! và lưu thành video (video số 1).

Bước 2: Dùng điện thoại lên mạng và tải bài nhạc nền (nhạc không lời) bài hát dạy cho trẻ hát (Ví dụ: Cá vàng bơi) về máy để (ghép video) và tương tác cùng trẻ (mời trẻ hát theo nhạc, mời trẻ vận động từng động tác theo cô, mời trẻ nghe hát) (Video số 2)

Bước 3: Tôi thực hành truyền tải nội dung chính của bài học (ví dụ: Trọng tâm là tiết “dạy hát” hay “dạy vận động” hay “nghe hát” và lưu thành video số 3).

Bước 4: Dùng ứng dụng viva video hoặc capcut để ghép tất cả các video đã thiết kế như trên lại thành một video hoàn chỉnh theo thứ tự các bước trên. Cuối cùng, gởi video cho phụ huynh xem và mời phụ huynh tham gia học cùng trẻ.

Giải pháp 2: Giáo viên hướng dẫn phụ huynh phát triển thẩm mỹ cho trẻ thông qua việc dạy trẻ cách thể hiện một tác phẩm âm nhạc.

Để hỗ trợ cho phụ huynh phát triển thẩm mỹ cho trẻ thông qua môn âm nhạc, tôi đã tư vấn chia sẽ cho phụ huynh cách để dạy trẻ thể hiện một tác phẩm âm nhạc như sau:

Thứ nhất, cần dạy trẻ hát đúng và diễn cảm lời bài hát, thể hiện được tính chất, tinh thần và “cái hồn” của bài hát khi biểu diễn.

Ví dụ: Hát đúng ở đây nghĩa là phụ huynh phải chú ý hát đúng về cao độ, cường độ, rõ lời (tròn vành rõ chữ). Hát diễn cảm phụ huynh lưu ý hát làm sao để diễn tả được giai điệu tính chất của bài hát (vui nhộn, sâu lắng,tha thiết, tình cảm,…) Chẳng hạn như khi dạy trẻ bài hát: “Cả nhà thương nhau” của nhạc sĩ Phan Văn Minh thì phụ huynh cần thể hiện được sự gắn kết, vui vẻ, sum vầy của một gia đình hạnh phúc thể hiện trong cử chỉ, nét mặt, nụ cười, điệu bộ,… cho trẻ cảm nhận được nét đẹp trong cách thể hiện bài hát cũng như nét đẹp của tình cảm gia đình trong bài hát diễn tả để bồi đắp cho tình cảm thẩm mỹ của trẻ được kích thích và phát triển.

Thứ 2, cần dạy trẻ hiểu được nội dung bài hát. Từ đó, giáo dục hành vi chuẩn mực cho trẻ từ nội dung của bài hát để hướng trẻ đến cái đẹp, khuyến khích trẻ tạo ra cái đẹp từ bản thân và môi trường xung quanh.

Ví dụ: Bước vào đầu tuổi mẫu giáo cũng là bước vào giai đoạn trẻ bắt đầu có những rung cảm thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở trẻ 3- 4 tuổi vẫn còn có khuynh hướng chưa phát triển mạnh sự tự ý thức (tức là hành vi còn mang tính bộc phát, vì lợi ích của mình là trên hết, chưa có sự đoàn kết hay muốn chơi cùng bạn). Mặc khác, ở lứa tuổi này trẻ đã bước vào giai đoạn “phát cảm ngôn ngữ” (trẻ lên ba cả nhà học nói) nên việc dạy trẻ học các bài hát mang tính giáo dục định hướng hành vi đúng chuẩn mực để phát triển thẩm mỹ cho trẻ là rất phù hợp và cần thiết. Việc dạy trẻ học thuộc bài hát, hiểu được nội dung bài hát và tiếp thu sự giáo dục của người lớn (nhất là cha mẹ trẻ) sẽ giúp cho trẻ cảm nhận được cái đẹp, có mong muốn tạo ra cái đẹp, hướng đến chân thiện mỹ.

Tôi tư vấn cho phụ huynh vai trò của việc dạy trẻ minh hoạ theo bài hát cũng góp phần phát triển thẩm mỹ rất nhiều cho con, phụ huynh cần phải phát hiện và uốn nắn cho con tự tin khi biểu diễn. Qua đó, phụ huynh sẽ phát hiện những năng lực đặc biệt (năng khiếu) của con mình và chia sẽ với cô giáo để cô giáo có hướng tư vấn hỗ trợ cho phụ huynh bồi dưỡng thêm cho các trẻ có năng khiếu đặc biệt góp phần phát triển sớm những năng lực đặc biệt ở trẻ.

Giải pháp 3: Giáo viên chia sẽ với phụ huynh cách lựa chọn những tác phẩm âm nhạc có nội dung giáo dục thẩm mỹ phù hợp với nhận thức của trẻ 3 4 tuổi.

Để giúp phụ huynh tránh việc dạy con những bài hát không phù hợp với khả năng tiếp thu của con (bài hát quá ngắn hay đa số quá dài so với khả năng ghi nhớ ở độ tuổi 3- 4 tuổi của trẻ) thì tôi đã lập kế hoạch tuần theo từng chủ đề của năm học và lựa chọn những bài hát có nội dung giáo dục thẩm mỹ và có số lượng câu từ ngắn phù hợp với nhận thức của trẻ 3- 4 tuổi và chia sẽ cho phụ huynh xem để lựa chọn và dạy con những bài hát phù hợp trong chương trình giảng dạy của giáo viên (thông qua các video clip tôi thực hiện dạy môn âm nhạc mỗi tuần gởi cho phụ huynh 1 clip).

Ví dụ như: Chủ đề trường mầm non thì dạy bài “cô và mẹ”, chủ đề bản thân – “tôi bị ốm”, chủ đề gia đình – “cháu yêu bà”, chủ đề nghề nghiệp – “kéo cưa lừa xẻ”, chủ đề động vật – “cá vàng bơi”, “ai cũng yêu chú mèo”, chủ đề thực vật – “lý cây xanh”, chủ đề giao thông – “em tập lái ô tô”, chủ đề nước hiện tượng tự nhiên – “trời nắng trời mưa”, chủ đề quê hương đất nươc Bác Hồ – “Inh lả ơi”, “quê hương tươi đẹp”.

Ngoài ra, tôi cần “tuyển chọn trò chơi, bài hát, thơ ca, truyện, câu đố theo chủ đề cho trẻ 3- 4 tuổi” của tác giả Lê Thu Hương (chủ biên) cho các phụ huynh mua ở các nhà sách lớn hoặc có thể đặt trên mạng để làm tài liệu dạy con cho phù hợp với nhận thức của con theo chương trình giáo dục mầm non hoặc có thể phụ huynh tìm các bài hát có số lượng câu từ 3-4 câu hát/1 bài hát ở nhịp 2/4 (phần nhịp sẽ có ghi ở đầu thanh nhạc mỗi bài hát) để phụ huynh lựa chọn các bài hát dễ theo tiêu chí trên để dạy con hát khi chọn bài hát đa dạng trên mạng internet.

Giải pháp 4: Giáo viên tư vấn với phụ huynh chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng biểu diễn tác phẩm âm nhạc cho trẻ mọi lúc mọi nơi, mọi sân khấu, chương trình và khuyến khích trẻ diễn mạnh dạn, tự tin.

Cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, hỗ trợ và động viên con cái đặc biệt cha mẹ chính là người phát hiện đầu tiên các năng lực đặc biệt (năng khiếu) của trẻ như về hội hoạ, âm nhạc, vận động, ngôn ngữ,… trong đó năng khiếu âm nhạc nếu được phát hiện sớm và bồi dưỡng đúng lúc cùng với những định hướng tương lai đúng đắn nhất định sẽ đem đến sự thành công trong tương lai cho trẻ. Năng khiếu âm nhạc được phát hiện và bồi dưỡng kịp thời trẻ sẽ được phát triển vượt bật và thành công (minh chứng là cô bé Phương Mỹ Chi từ một em bé nhà nghèo vất vả mưu sinh nhưng với chất giọng dân ca truyền cảm ngọt ngào cùng với sự chịu khó động viên hỗ trợ từ gia đình em đã đạt giải Á quân của chương trình giọng hát Việt nhí khi em chỉ mới 10 tuổi).

Vì thế, cha mẹ dạy con hát đúng, diễn cảm và nhảy, múa, gõ, vỗ tay theo nhịp bài hát cùng với việc động viên, cổ vũ, khích lệ con biểu diễn mọi lúc mọi nơi từ nhà cho bố mẹ ông bà họ hàng xem đến sân khấu nhỏ của các buổi tiệc (thôi nôi, đầy tháng, sinh nhật, đám cưới, tân gia,…) cho đến các chương trình, sân khấu lớn sân chơi dành cho các bé thiếu nhi so tài, biểu diễn tài năng âm nhạc với nhau để phát triển thẩm mỹ cho trẻ qua cách hát, minh hoạ, lựa chọn đồ dùng, trang phục phù hợp với tác phẩm âm nhạc, lựa chọn bài hát có nội dung phù hợp với chủ đề/ sự kiện/ chương trình để giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện năng khiếu, năng lực của bản thân, góp phần phát triển ý thức về thẩm mỹ, sự nhận thức về giá trị của bản thân góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ.