Giải pháp tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ 3-4 tuổi
Lượt xem:
1. Tình trạng giải pháp đã biết
Trong tất cả các hoạt động của trẻ, hoạt động vui chơi giữ vai trò chủ đạo. Thông qua các trò chơi trẻ thoả mãn nhu cầu vui chơi của mình. Đặc biệt trò chơi dân gian là một hoạt động có tác động mạnh mẽ đến trẻ em, nó là phương tiện giáo dục nhân cách toàn diện cho trẻ mầm non. Trò chơi dân gian cung cấp những kiến thức xã hội cần thiết cho cuộc sống của trẻ. Do vậy việc tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ đòi hỏi phải có sự linh hoạt và tính sáng tạo, phù hợp với độ tuổi, mức độ khó hay dễ của các trò chơi không giống nhau, có những trò chơi vô cùng đơn giản nhưng cũng có những trò chơi phức tạp, đòi hỏi người chơi phải tư duy trong quá trình chơi. Làm thế nào để tổ chức được các trò chơi dân gian thực sự có hiệu quả, lôi cuốn và hấp dẫn được trẻ. Là một giáo viên dạy lớp mẫu giáo 3-4 tuổi, tôi luôn bân khoăn và tìm các biện pháp để tổ chức các trò chơi dân gian một cách có hiệu quả nhất.
* Ưu điểm:
– Được sự quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất của ban giám hiệu nhà trường.
– Sân trường rộng rãi, thoáng mát có thể tổ chức nhiều trò chơi dân gian.
– Giáo viên trong lớp đoàn kết biết tìm tòi, sáng tạo và sưu tầm nhiều trò chơi dân gian để tổ chức cho trẻ.
– Trẻ ngoan và chủ động trong mọi hoạt động.
– Giáo viên có trình độ chuẩn, nhiệt tình, yêu nghề mến trẻ, tận tình với công việc. Thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu tài liệu về việc chăm sóc giáo dục trẻ hằng ngày nhất là việc sưu tầm và tổ chức các trò chơi dân gian cho trẻ.
*Hạn chế:
– Một số trẻ vẫn còn tính nhúc nhát, chậm chạp, có rất nhiều trẻ bị béo phì ,suy dinh dưỡng, thấp còi nên gây rất nhiều khó khăn trong việc tham gia vào các hoạt động, nhất là những trò chơi cần vận động nhiều.
– Số lượng các trò chơi dân gian vào chương trình để thực hiện còn rất ít.
– Khả năng tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi dân gian của giáo viên các lớp còn hạn chế.
– Lớp có nhiều trẻ hiếu động, cha mẹ chưa quan tâm đến con, rất ít cho con chơi trò chơi dân gian.
– Nhiều trẻ chưa thực sự thích các trò chơi dân gian chỉ thích siêu nhân, hoạt hình…
2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
– Mục đích của giải pháp: Giúp cho giáo viên tổ chức tốt trò chơi dân gian cho trẻ 3-4 tuổi. Giúp cho trẻ kỹ năng sáng tạo lựa chọn các trò chơi phù hợp với từng lứa tuổi.
– Nội dung giải pháp: Giải pháp tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ 3-4 tuổi nhằm giúp cho giáo viên kỹ năng sáng tạo, lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi để nâng cao khả năng nhận thức cho trẻ. Chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi, lời ca, địa điểm trước khi tổ chức cho trẻ chơi, thông qua các trò chơi dân gian phù hợp với từng hoạt động ở các lĩnh vực. Ngoài ra giáo viên cần phối hợp tuyên truyền với các bậc cha, mẹ về việc hướng dẫn trẻ chơi trò chơi dân gian. Từ những hạn chế đầu năm, tôi luôn băn khoăn suy nghĩ làm cách nào để giúp trẻtổ chức trò chơi dân gian một cách tốt nhất. Bằng kiến thức và kinh nghiện giảng dạy của tôi, tôi đã đề ra giải pháp giúp trẻ như sau:
Giải pháp 1: Lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi và khả năng nhận thức của trẻ.
– Trò chơi dân gian rất phong phú và đa dạng, vì thế không hẳn trò chơi nào cũng phù hợp với trẻ nhỏ. Chính vì vậy tôi đã lựa chọn cho trẻ chơi các trò chơi dân gian có luật chơi và cách chơi đơn giản, dễ chơi, dễ nhớ phù hợp với trẻ 3-4 tuổi, vì khả năng chú ý có chủ định và nhận thức ở trẻ 3-4 tuổi chưa cao so với lứa tuổi khác. Do vậy để tổ chức tốt các trò chơi dân gian cho trẻ 3 – 4 tuổi, tôi đã thực hiện theo các tiêu chí sau: Trò chơi không quá đơn giản nhưng cũng không quá phức tạp. Đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trò chơi dễ kiếm, dễ tìm. Giúp củng cố tư duy, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng cho trẻ. Gây được hứng thú, thu hút sự chú ý của trẻ. Có sự tham gia của tập thể lớp hoặc nhóm trẻ trong lớp.
Giải pháp 2: Chuẩn bị đồ dùng đồ chơi, lời ca, địa điểm trước khi tổ chức cho trẻ chơi.
– Đồ dùng đồ chơi của các trò chơi dân gian cũng vô cùng đa dạng và phong phú, mang tính đặc trưng và được thiết kế dựa vào cách chơi và luật chơi của từng trò chơi. Mỗi trò chơi dân gian có một hoặc nhiều loại đồ dùng đồ chơi tương ứng mà thiếu nó thì trò chơi không thể tiến hành được. Vì vậy việc chuẩn bị đồ dùng đồ chơi cho các trò chơi dân gian là rất cần thiết.
– Trước khi tổ chức cho trẻ chơi một trò chơi dân gian nào đó, tôi luôn tìm hiểu kỹ về luật chơi, cách chơi cũng như việc có hay không có đồ dùng đồ chơi phục vụ cho trò chơi.
Giải pháp 3: Tổ chức các trò chơi dân gian phù hợp với từng hoạt động ở các lĩnh vực.
Tùy theo tính chất trò chơi mà tôi lựa chọn xen kẽ các trò
chơi dân gian cho phù hợp. Mỗi hoạt động của trẻ đều nhằm đạt được một mục đích nhất định. Vì thế, hoạt động nào cũng có tính chất riêng của nó. Nếu như hoạt động chung được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức cho trẻ thì chơi ngoài trời lại giúp trẻ được gần gũi với thiên nhiên, khám phá các hiện tượng tự nhiên và phát triển thể chất, hay như chơi hoạt động ở các góc trẻ lại được mở rộng thêm về kinh nghiệm sống và kỹ năng chơi theo nhóm. Khi tổ chức các trò chơi dân gian tôi đã chú ý lựa chọn và tổ chức các trò chơi dân gian cho phù hợp với tính chất của từng hoạt động.
Đối với chơi ngoài trời: Tận dụng không gian rộng, thoáng và an toàn, tôi nên tổ chức cho trẻ chơi các trò chơi vận động nhằm rèn luyện và phát triển thể lực cho trẻ như trò chơi “Rồng rắn lên mây”, “Bịt mắt bắt dê”, “Nhảy dây”, “Nhảy lò cò”, “ Mèo đuổi chuột”, “ Kéo co”, “Ném còn”…
Đối với chơi hoạt động ở các góc: Với không gian ở trong lớp thì diện tích nhỏ, hẹp thì nên cho trẻ chơi các trò chơi theo nhóm như trò chơi “Tập tầm vông” “Chi chi chành chành” “Dệt vải” “Kéo cưa lừa xẻ” “Cắp cua”…
Đối với chơi hoạt động theo ý thích (chủ yếu diễn ra trong phòng nhóm): Nên tổ chức cho trẻ các trò chơi tĩnh, nhẹ nhàng để tránh sự mệt mỏi cho trẻ như: “Ô ăn quan”, “Tập tầm vông”, “Chơi chuyền”, “Đếm sao”, “Kéo cưa, lừa xẻ”…
Đặc biệt khi tích hợp trò chơi dân gian trong hoạt động học, tôi luôn lựa chọn trò chơi phù hợp với đặc điểm của từng hoạt động và phát toàn diện cho trẻ ở các lĩnh vực cụ thể:
Lĩnh vực phát triển ngôn ngữ: Trò chơi dân gian là một thế giới của trẻ thơ, nó tạo ra cho trẻ một môi trường tự nhiên để rèn luyện và phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là giáo dục chuẩn mực ngữ âm cho trẻ. Vì vậy tôi đã sử dụng những biện pháp dạy phù hợp để mang lại hiệu quả cao như những bài đồng dao đã có sẵn của tác giả đã viết, được truyền từ đời này sang đời khác bằng phương pháp truyền miệng, hay đưa vào các trò chơi để giáo dục ngữ âm cho trẻ. Giúp trẻ phát triển ngôn ngữ có kỹ năng phát âm tốt rõ ràng, mạch lạc, rèn luyện phản xạ nhanh khi giao tiếp, phát huy được tính sáng tạo, nhanh nhẹn của trẻ.
Giải pháp 4: Tuyên truyền, phối kết hợp với các bậc cha mẹ về việc hướng dẫn trẻ chơi trò chơi dân gian.
Tuyên truyền, phối kết hợp với các bậc cha mẹ về việc hướng dẫn trẻ chơi trò chơi dân gian là nhân tố quan trọng quyết định đến việc tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ đạt kết quả tốt, việc phối kết hợp giữa cha mẹ và cô giáo là không thể thiếu được. Chính vì vậy cần phải tuyên truyền và kết hợp với cha mẹ:
Thường xuyên trao đổi với cha mẹ về tầm quan trọng của các trò chơi dân gian với việc phát triển phát triển thể chất của trẻ, trao đổi các trò chơi đã tổ chức cho trẻ với cha mẹ để họ có thể tổ chức cho trẻ chơi ở nhà.
Đưa cho cha mẹ các bài đồng dao, hò, vè, các trò chơi để cha mẹ tham khảo và bày cho trẻ chơi.
Hướng dẫn cho cha mẹ sưu tầm các trò chơi phù hợp để tổ chức cho trẻ chơi.
Trong giờ đón trả trẻ tôi tuyên truyền tới các bậc cha mẹ học sinh ủng hộ các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương.