Một số giải pháp phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 4 – 5 tuổi trong giờ hoạt động góc

Lượt xem:

Đọc bài viết

* Tình trạng giải pháp đã biết: Đối với trẻ mầm non, hoạt động vui chơi giữ vai trò chủ đạo. Trong quá trình chơi, trẻ sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức mà cô chưa cung cấp trên tiết học, được rèn luyện kỹ năng giao tiếp với người xung quanh, biết cách giải quyết các vấn đề trong khi chơi. Qua hoạt động góc giúp hình thành và phát triển toàn diện nhân cách trẻ.

Trong quá trình tổ chức hoạt động góc, lớp tôi có một số đặc điểm thuận lợi như sau:

Trường có trang thiết bị tương đối đầy đủ, đẹp mắt. 65% trẻ lớp tôi từng được học lớp 3 tuổi nên đã được tiếp xúc với các góc chơi.

Bên cạnh những thuận lợi trên, tôi gặp phải một số khó khăn:

– Trong giờ hoạt động góc, một số góc chơi thường xuyên tập trung quá nhiều trẻ tham gia nên khó khăn cho việc bao quát và tổ chức của cô.

– Khả năng giao tiếp của mỗi trẻ khác nhau, có trẻ rất mạnh dạn trong giao tiếp và ngược lại có trẻ nhút nhát, ngôn ngữ giao tiếp còn hạn chế.

– Phòng có diện tích nhỏ nên việc bố trí các góc chưa khoa học. Các góc chơi sắp xếp chưa thu hút trẻ. Thiếu đồ chơi sáng tạo tự làm của cô và trẻ.

– Bên cạnh đó, 50% phụ huynh chưa thật sự quan tâm giao tiếp với con em mình. Thường xuyên cho trẻ dùng điện thoại thông minh để chơi điện tử mà ít trò chuyện để luyện cho con cách phát âm, nói cho đủ câu, sử dụng ngôn từ cho phù hợp.

Vì vậy tôi đã chọn giải pháp “Một số giải pháp phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 4 – 5 tuổi trong giờ hoạt động góc” làm đề tài sáng kiến năm học 2020 – 2021.

  * Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:

  – Mục đích của giải pháp:

Thông qua giải pháp này nhằm giúp trẻ 4 – 5 tuổi phát triển ngôn ngữ, mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp với các bạn. Đồng thời giúp phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của giao tiếp đối với sự phát triển của trẻ mầm non.

 – Nội dung giải pháp

Xây dựng góc chơi phù hợp với nhu cầu, hứng thú và khả năng của trẻ:

Để tổ chức hoạt động, trước tiên tôi xây dựng nội dung chơi cụ thể ở các góc theo từng chủ đề: góc xây dựng, góc học tập, góc phân vai, góc nghệ thuật và góc thiên nhiên. Lựa chọn những vai chơi phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu hứng thú của trẻ lớp mình.

Trước khi bắt đầu chơi, tôi thường trò chuyện với trẻ về nội dung các góc chơi, các vai chơi nhằm khơi gợi tạo hứng thú cho trẻ khi tham gia vai chơi:

Trong góc phân vai chủ đề nghề nghiệp, tôi sẽ giới thiệu cho trẻ biết hôm nay con sẽ được đóng vai Bác Sĩ – Y tá. Trò chuyện với trẻ về công việc của bác sĩ – y tá, khi gặp bệnh nhân bác sĩ sẽ hỏi gì? Khám bệnh như thế nào? Sau khi khám xong bác sĩ dặn dò bệnh nhân những gì? Còn bệnh nhân gặp bác sĩ/ y tá xưng hô thế nào? Sau khi khám bệnh xong bệnh nhân sẽ làm gì? Tôi nâng cao yêu cầu như phải biết lắng nghe, có chọn lọc, giao tiếp bằng ngôn ngữ, ánh mắt, cử chỉ, hành động như ở góc “phòng khám đa khoa”, bác sĩ có thể thể hiện sự lo lắng với bệnh nhân qua ánh mắt nheo lại một chút, sự ân cần qua ánh mắt trừu mến hoặc góc “gia đình” mẹ yêu con có thể thể hiện qua những động tác vuốt ve, âu yếm…

Tương tự những vai chơi trong các góc khác, tôi thường gợi ý trẻ tự chọn vai chơi, cách giao tiếp khi chơi và tự phân công nhiệm vụ với nhau.

Trong quá trình chơi, tôi quan sát xem trẻ thích chọn vai chơi nào. Nếu nhiều trẻ thích chọn một vai chơi mà một số vai khác trẻ ít tham gia, tôi sẽ tạo tình huống bất ngờ thu hút sự chú ý trẻ vào vai chơi, gợi ý trẻ cùng tham gia với cô sau đó có thể thay đổi vai chơi giữa trẻ này với trẻ khác để tạo sự mới lạ giúp trẻ có thể tham gia được nhiều vai, được giao tiếp phong phú hơn.

     Kỹ năng ứng xử – trao đổi – chia sẻ – nghe hiểu của trẻ được phát triển:

* Kỹ năng ứng xử, trao đổi, chia sẻ khi chơi:

Góc phân vai gia đình: Cho trẻ chọn vai chơi (ba, mẹ, con); cô gợi ý trẻ cách xưng hô khi giao tiếp: khi chúng ta là gia đinh, con xưng hô với ba mẹ thế nào? Mẹ sẽ làm công việc gì? Ba làm gì? Con ở nhà sẽ giúp ba mẹ thế nào? Khi ba mẹ mệt thì con sẽ làm gì? Khuyến khích trẻ biết trao đổi, chia sẻ với nhau.

Góc phân vai bán hàng: Tôi hướng dẫn trẻ các cách trao đổi để trẻ thể hiện ý muốn của mình bằng hành động, lời nói, ký hiệu tượng trưng. Giáo viên đóng vai và có sự trao đổi trực tiếp với trẻ để trẻ thể hiện sự qua lại đó là để thoả mãn nhu cầu khi tham gia chơi. Ví dụ: Muốn mua hàng phải mặc cả, trả tiền; người bán hàng muốn đông khách cần niềm nở, mời chào khách tận tình.

Góc xây dựng: Cô quan sát và thăm dò ý tưởng của trẻ, qua đó khuyến khích trẻ muốn tạo công trình đẹp cần có sự trao đổi ý kiến lẫn nhau, có sự liên kết giữa các góc khác.

* Kỹ năng nghe, hiểu được phát triển:

Trong quá trình tham gia các hoạt động, trẻ được trao đổi – chia sẻ qua đó kỹ năng nghe hiểu được rèn luyện và phát triển.

Góc âm nhạc: Chuẩn bị đầy đủ các đạo cụ, không gian để trẻ tham gia hoạt động âm nhạc: phông, sân khấu, đàn, cát sét…

 Giới thiệu và cho trẻ nghe giai điệu, nhịp điệu, âm thanh từ cát sét, đàn, các bạn biểu diễn. Sau khi trẻ lắng nghe cô đặt ra các câu hỏi: Bạn hát bài gì? Bài hát đó nói gì? Bài hát đó có giai điệu như thế nào?

Góc học tập: sắp xếp góc ở nơi yên tĩnh, trẻ không bị phân tán. Trẻ có thể trao đổi với nhau cách giải bài toán, sắp xếp các ô chữ, lắp ghép… Ở góc đóng kịch, tôi gợi ý trẻ luân phiên nhau đọc thơ, kể chuyệnvà khi có bạn biểu diễn thì các khán giả luôn nghe xem nội dung là gì để cùng nhận xét. Đó cũng là biện pháp hướng trẻ lắng nghe.

Giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình chơi của trẻ: là người trung gian, tạo tình huống cho trẻ giải quyết. Đối với những trẻ khả năng giao tiếp còn hạn chế, tôi luôn động viên, khuyến khích trẻ tham gia các vai phù hợp với năng lực của mình, thường xuyên sử dụng những câu hỏi gợi mở, gợi ý trẻ đến góc chơi khác để trẻ mạnh dạn giao tiếp với các bạn. Đồng thời uốn nắn kịp thời kỹ năng giao tiếp, hành động của trẻ. Việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách cho trẻ, là sự chuẩn bị cần thiết cho trẻ vào học trường phổ thông.

 Sắp xếp các góc chơi thu hút sự chú ý của trẻ:

         Mỗi vai chơi đều có nhiệm vụ rõ ràng thì đồ dùng đồ chơi là phương tiện hỗ trợ để trẻ được trải nghiệm. Việc trang trí các góc chơi, đầu tư các trang thiết bị, vật liệu, đồ dùng đồ chơi sáng tạo tại các góc đóng vai trò không nhỏ trong việc rèn kỹ năng giao tiếp cho trẻ.  Để tạo sự chú ý, thu hút trẻ tham gia vào hoạt động. Tôi đã làm như sau:

          Từng thời gian hoặc sau mỗi chủ đề, tôi thay đổi cách sắp xếp, trang trí và hoạt động ở các góc để tạo cảm giác mới lạ hấp dẫn trẻ. Bố trí những góc động (góc xây dựng, góc phân vai) ở xa những góc tĩnh (góc tạo hình, góc học tập, thư viện). Có ranh giới giữa các góc (sử dụng các giá tủ, hàng rào). Có lối đi giữa các góc đủ rộng cho trẻ di chuyển liên kết các góc chơi. Có thể tận dụng mặt sau các giá đồ chơi, mảng tường trống đề trưng bày

sản phẩm do trẻ làm ra cho các bạn khác tham quan, nhận xét.

         Đặt tên góc sao cho dễ hiểu nhưng lại hấp dẫn như: “phòng khám đa khoa”, “siêu thị đa năng”, “tổ ấm gia đình”, “kỹ sư tí hon”, “bé khéo tay”, “thử tài của bé”… Đồ dùng, đồ chơi phong phú đa dạng về màu sắc – kích thước – công dụng. Ngoài ra, tôi chuẩn bị một số trang phục để trẻ chọn lựa hóa thân thành nhân vật khi chơi: người bán hàng, bác sĩ – y tá, gia đình, chú kỹ sư tí hon… hoặc hóa thân thành những con vật đáng yêu trong chủ đề “thế giới động vật”.

         Để diện tích trong lớp thoáng hơn, tôi đã tận dụng sân trước lớp để trẻ có môi trường hoạt động tích cực như: góc thiên nhiên (chăm sóc khu vườn, đong nước, câu cá, chơi cát, xếp tàu thuyền/ máy bay…), khám phá khoa học (vật chìm – vật nổi, nước đổi màu…). Trẻ được tham gia các hoạt động mà vẫn liên kết với các khu vực chơi trong lớp.

         Bên cạnh đó, tôi dành thời gian tự làm những đồ dùng, đồ chơi sáng tạo mới lạ từ những nguyên vật liệu mở đa dạng như hộp sữa, vỏ sò, ống hút, hòn sỏi… để trẻ được sử dụng trong quá trình chơi. 

 Công tác phối hợp với gia đình:

Để giúp phụ huynh hiểu rõ tầm quan trọng của giao tiếp đối với sự phát triển của trẻ mẫu giáo: 

Thông qua giờ đón – trả trẻ, tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khỏe, học tập và cả khả năng giao tiếp của trẻ trong các hoạt động. Giải thích cho phụ huynh hiểu rằng, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non.

Qua bảng tin lớp, tôi đã chọn một số kiến thức khoa học tuyên truyền đến phụ huynh về vai trò, lợi ích của cha mẹ khi thường xuyên trò chuyện với trẻ để giúp trẻ mạnh dạn hơn khi giao tiếp. Tác hại nguy hiểm của sóng điện thoại ảnh hưởng đến sức khoẻ và quá trình giao tiếp của trẻ.

Đối với một số trẻ diễn đạt ngôn ngữ chưa rõ ràng, mạch lạc. Tôi cùng phối hợp với phụ huynh thường xuyên đặt những câu hỏi gợi mở để động viên trẻ biểu đạt những suy nghĩ của mình, khuyến khích trẻ phát biểu, phát âm một số từ đơn giản đến nâng cao.

+ Về khả năng áp dụng của sáng kiến: Một số giải pháp giáo phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ 4 – 5 tuổi trong giờ hoạt động góc”đã được áp dụng hiệu quả ở lớp tôi, trường tôi. Giúp trẻ lớp tôi mạnh dạn chủ động hơn khi giao tiếp với bạn – người lớn, bản thân tôi và phụ huynh đã nhận thức hơn về tầm quan trọng của giao tiếp đối với sự phát triển của trẻ mẫu giáo. Giải pháp này có thể áp dụng cho các trường mầm non trong huyện.