Trường Mẫu giáo Bình Minh thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em” năm học 2023-2024.
Lượt xem:
Trường mầm non như thế nào là hạnh phúc? Muốn xây dựng được trường học hạnh phúc thì phải bắt đầu từ đâu?
Hãy trao đi yêu thương để đón nhận hạnh phúc.
Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào, cần nâng cao nhận thức của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Tất cả phải chung tay kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.
Trường học hạnh phúc là môi trường thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Khi mọi người có hạnh phúc, cảm xúc được thăng hoa, sẽ tạo động lực tinh thần để giúp hiệu quả hơn trong công việc. Và khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp trong ngôi trường, mà còn lan toả, song hành cùng gia đình, xã hội.
Đối với bậc học mầm non thì trường học Hạnh phúc phải thực sự như ngôi nhà thứ 2 của trẻ. Ở đó trẻ được yêu thương, che chở. Trẻ tự tin thể hiện các năng lực bản thân, tạo điều kiện được chăm sóc, được chơi đùa một cách thoải mái. Cô giáo phải thực sự là người mẹ thứ hai của trẻ, trẻ cảm nhận được sự ấm áp từ cô giáo, bạn bè.
Ở trường, mỗi cá nhân cảm thấy được hạnh phúc, sự quan tâm, yêu thương. Phụ huynh thấy việc đưa trẻ đến lớp thực sự hữu ích. Trẻ vui vẻ, hào hứng khi được đi học
Trường học hạnh phúc là nền tảng, bệ đỡ tinh thần để những ý tưởng, mục tiêu giáo dục, đào tạo được thực thi hiệu quả nhất. Giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc. Đó là nơi nâng niu, chắp cánh những ước mơ, ươm mầm nhân cách, tài năng mỗi trẻ.
Thay đổi trong nhận thức nhà giáo…
Trường học phải là ngôi nhà chung, ở đó mỗi người cần chung tay cùng kiến tạo hạnh phúc. Trường học hạnh phúc ở đó học sinh, phụ huynh, toàn thể CBGV-CNV phải thấy hạnh phúc, phải tìm thấy niềm vui mỗi khi đến trường.
Để làm được điều đó sẽ cần sự thay đổi của tất cả đội ngũ. Và người đầu tiên cần thay đổi chính là Hiệu trưởng, là BGH nhà trường. Đó là những nhân tố có trách nhiệm lan tỏa, giúp mọi thành viên hiểu rằng hạnh phúc không ở đâu xa, nó ở chính trong những công việc hàng ngày, do chúng ta tạo ra từ những việc làm, cách ứng xử, những lời nói hành động của chính mỗi cá nhân.
BGH cần gương mẫu, sát sao trong mọi hoạt động, xác định gắn bó với nghề. Ai cũng hiểu quản lý ở trường mầm non không giống những ngành nghề khác, không đơn giant chỉ là lãnh đạo, chỉ đạo, giao việc và giám sát, kiểm tra. Có những việc phải trực tiếp bắt tay vào thực hiện để hướng dẫn, xử lý, động viên, chia sẻ với mọi người. Sự tận tâm, nghiêm túc của những người đứng đầu sẽ là động lực và tạo nên một guồng làm việc mới, tạo nên sự thay đổi nhận thức của toàn thể CBGV- CNV nhà trường.
Hạnh phúc là được tôn trọng, yêu thương, làm những điều mình thích. CBGV – CNV là những người kiến tạo nên chất lượng của nhà trường. Họ cảm thấy hạnh phúc sẽ lan tỏa hạnh phúc tới học sinh và phụ huynh, lan tỏa những giá trị: Ấm áp, yêu thương để trường mầm non sẽ thực sự là ngôi trường hạnh phúc, “Nơi ước đến, chốn mong về” của mỗi học sinh.
Vui tươi, đoàn kết, yêu thương gắn bó...
Muốn để mọi thành viên gắn bó và yên tâm công tác, Ban giám hiệu nhà trường luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp trên tinh thần tập trung dân chủ. Tất cả xuất phát từ quan điểm đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân. Nhưng cũng không vì tập thể mà chà đạp lợi ích cá nhân. Luôn tạo điều kiện tối đa đảm bảo lợi ích cho các cá nhân trong mỗi hoàn cảnh phù hợp. Phát huy tối đa sức mạnh của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, trao quyền, phân quyền để mọi đoàn thể hoạt động tích cực, hiệu quả nhất.
Ai cũng hiểu ngành mầm non nhiều vất vả, khó khăn nhưng thu nhập thấp. Nếu không tìm thấy niềm vui mỗi khi ở trường thì ai muốn theo nghề và gắn bó với trường? Trường tôi có những giáo viên nhà rất xa, mỗi lượt đi 35 – 40km. Vậy mà họ vẫn gắn bó với trường hơn chục năm nay. Câu trả lời duy nhất, đó là tình cảm chân thành mà họ dành cho ngôi trường này. Và đó là kết tinh của tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng của mỗi thành viên trong trường. Đặc biệt là sự chung tay góp sức của các đoàn thể – họ là cầu nối và người kiến tạo nên niềm vui thông qua các hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhà giáo.
Bởi thế, tôi cho rằng, một yếu tố quan trọng nữa, đó là việc tích cực dùng lời khen. Ai trong chúng ta cũng thích được khen song phải khen đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, đúng việc. Lời khen sẽ là chất xúc tác tạo nên động lực và tâm thế phấn khởi thoải mái cho mỗi cá nhân, là nguồn khích lệ tinh thần lớn.
Tập trung bồi dưỡng đội ngũ…
Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng làm việc của từng nội dung công việc, nhà trường đã bồi dưỡng nhiều nội dung khác nhau, các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp cùng với nghiệp vụ sư phạm. Khi mọi người vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ sẽ làm việc dễ dàng hơn, phát huy được sáng tạo. Từ đó ứng dụng hiệu quả các phương pháp giáo dục hiện đại trong hoạt động hàng ngày, giúp mỗi giờ học của trẻ trở nên thú vị, hấp dẫn.
Để làm tốt công tác này, nhà trường đã tận dụng các nguồn lực sẵn có để bồi dưỡng tại chỗ. BGH và giáo viên cốt cán hỗ trợ những giáo viên mới, tay nghề yếu ít nhất 1 tuần /lần vào các giờ sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ. Thường xuyên mời chuyên gia bồi dưỡng những phần còn hạn chế. Giúp các vị trí làm việc trở nên chuyên nghiệp hơn, lan tỏa được nguồn năng lượng tích cực trong công việc và tới học sinh. Giúp những công việc khó khăn vất vả hàng ngày, với đồng lương thu nhập khiêm tốn trở thành niềm vui, tình yêu và trách nhiệm.
Dành cho trẻ và là của trẻ…
Chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng môi trường, lớp học thực sự dành cho trẻ và là của trẻ. Hướng đến mong muốn “Nuôi dưỡng trẻ có trái tim ấm áp, mạnh dạn, hợp tác và tự tin hội nhập” làm nền tảng. Môi trường lớp học, trường học nắm giữ vai trò rất quan trọng. Nó phải thực sự là không gian dành cho trẻ, đảm bảo hấp dẫn, mời gọi trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động. Có sự thân thiện, gần gũi, đa dạng các nội dung, giúp trẻ hứng thú tích cực tham gia.
Các góc hoạt động được đầu tư thiết kế, sắp xếp bố trí chỉnh chu đến từng chi tiết. Lựa chọn phong phú, đa dạng các nguyên vật liệu, thu hút trẻ tạo nên cảm giác nhẹ nhàng thư thái, ấm áp, an toàn. Tăng cường thiết kế không gian xanh bằng việc bổ sung chậu hoa, cây cảnh tạo nên cảm giác thư thái. Những hành động đẹp, lời nói đẹp, cảnh quang đẹp của cô, bè bạn, mái trường đều góp phần dệt nên xúc cảm hạnh phúc, hân hoan trong trái tim, suy nghĩ cho những tâm hồn non nớ thơ ngây, trong sáng mà hồn nhiên.
Khó khăn có thật nhiều, nhưng khi xác định công việc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu, trách nhiệm với nghề thì bỏ lại tất cả phía sau, những nhà giáo như chúng tôi vẫn hàng ngày tươi cười rạng rỡ.
Có lẽ đến với nghề là một cái duyên nhưng quyết tâm sống được với nghề thì đó lại là lựa chọn. Và cho đến lúc này tôi càng hiểu hơn sự thiêng liêng vĩ đại của hai tiếng “Cô giáo – người mẹ hiền”. Sau mỗi cánh cổng của trường mầm non, luôn cần sự an toàn, niềm vui và hạnh phúc. Ở đó, những “mầm non” luôn cần được vun đắp!