Giải pháp tạo hứng thú cho trẻ 5-6 tuổi khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm thực hành ở lớp lá 1

Lượt xem:

Đọc bài viết

Hoạt động trải nghiệm trong trường Mẫu giáo hiện nay được xem như là một cách học phổ biến thường xuyên, giúp trẻ em ở lứa tuổi này được trải qua các hoạt động, được làm, được tiếp xúc trực tiếp, thông qua các hoạt động thực tế để trẻ được lĩnh hội, nhận thức và cảm nhận thấu đáo các nội dung giáo dục, qua đó giúp trẻ tăng cường hiểu biết, phát triển kĩ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân. ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động trải nghiệm đựơc dựa trên sự đánh giá, phân tích, kiến thức có sẵn. Thông qua các hoạt động trải nghiệm trong trường Mẫu giáo giúp trẻ có những kiến thức, kỹ năng từ đó trẻ có những năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm trong thực tế. Qua việc cho trẻ thực hành trải nghiệm với một số thí nghiệm khoa học đơn giản, bên cạnh đó được thực hành trải nghiệm trong các giờ học có chủ đích, giờ chơi, giáo viên thiết kế các trò chơi cho trẻ thực hành, trải nghiệm ngay trên sân trường, ngoài ra trẻ còn được xây dựng góc thiên nhiên trên các lớp cho trẻ thực hành trải nghiệm, hơn thế trẻ còn đươc tham gia hoạt động tham quan theo hướng trải nghiệm phù hợp với địa phương để trẻ biết được các đặc trưng có tại nơi trẻ sống. Khi trẻ được chủ động tham gia tích cực vào quá trình hoạt động, trẻ sẽ có hứng thú và chú ý hơn đến những điều được tiếp cận và ít gặp vấn đề về tuân thủ kỷ luật. Như vậy, trẻ rất hứng thú và kiến thức, kỹ năng sẽ hình thành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Do vậy, tại các trường Mẫu giáo luôn tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm thông qua hoạt động ngoài trời, các hoạt động khám phá khoa học, hoạt động trải nghiệm tham quan, dã ngoại, giao lưu,…

1. Tình trạng giải pháp đã biết

Trong những năm gần đây việc đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đang được ngành giáo dục Mẫu giáo quan tâm và chú trọng rất nhiều, luôn xây dựng các chuyên đề hoạt động trong năm để trẻ thích học hỏi, muốn tự mình làm mọi việc nên việc để trẻ được trực tiếp thực hành trải nghiệm, học hỏi trực tiếp bằng thị giác và tri giác sẽ giúp trẻ ghi nhớ và khắc sâu hơn, khơi gợi sự tò mò, phát triển được tính sáng tạo cho trẻ, bên cạnh đó bản thân tôi nhận thấy chuyên đề hoạt động trải nghiệm cho trẻ Mẫu giáo 5-6 tuổi là một hoạt động không thể thiếu trong quá trình tổ chức cho trẻ nhận thức những nội dung giáo dục trong chương trình Giáo dục Mầm non do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành, đối với giáo viên Mầm non đây cũng là một nhiệm vụ cần được thực hiện một cách đầy đủ, thường xuyên, nhằm tạo ra nhiều cơ hội cho trẻ thực hành, trải nghiệm trong các hoạt động khác nhau. Bác Hồ cũng từng nói “học với hành phải đi đôi” vì thế, có thể thấy việc dạy trẻ học bằng phương pháp thực hành trải nghiệm chính là cách làm đúng đắn, hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại.Từ những thực tế trên mà tôi đã thực hiện trên lớp một cách đồng bộ các chuyên đề hoạt động trải nghiệm khác nhau, và đã nhận thấy được sự cần thiết và những hạn chế còn tồn tại trong hoạt động trải nghiệm của trẻ nên tôi đã lựa chọnGiải pháp tạo hứng thú cho trẻ 5-6 tuổi khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm thực hành ở lớp lá 1 trường Mẫu giáo Bình Minh huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, năm học 2022-2023” như sau:

* Ưu điểm: Trường Mẫu giáo Bình Minh được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học tối thiểu, trường có sân chơi với đầy đủ đồ chơi và cây xanh bóng mát, có vườn trường cho trẻ hoạt động ngoài trời và hoạt động thực hành.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát về chuyên môn và khuyến khích giáo viên cập nhật, bồi dưỡng các nội dung, phương pháp dạy học đổi mới.

Giáo viên đạt chuẩn các tiêu chí chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, có tinh thần học hỏi đổi mới, bồi dưỡng thường xuyên, yêu nghề và tôn trọng mọi đặc điểm cá nhân, nhận thức của trẻ.

Được sự quan tâm ủng hộ từ các bậc phụ huynh về công tác phối hợp chăm sóc giáo dục trẻ và hỗ trợ huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi.

* Hạn chế:

Việc lập kế hoạch giáo dục cho trẻ khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm thực hành của giáo viên chưa đạt hiệu quả do môi trường và điều kiện tổ chức thực tế của địa phương có đôi khi chưa phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Đa số trẻ còn thiếu kỹ năng và kiến thức về môi trường xung quanh nên trẻ cũng chưa hứng thú tham gia vào hoạt động khám phá trải nghiệm thực tế theo yêu cần của hoạt động.

Bên cạnh đó còn một vài phụ huynh chưa nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển nhận thức, rèn luyện kĩ năng thực tế cho trẻ qua hoạt động khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm và chưa biết cách khuyến khích con khám phá khoa học mọi lúc mọi nơi.

        2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến

        – Mục đích của giải pháp:

        Mục tiêu chung: Tìm ra các giải pháp mới tạo hứng thú cho trẻ tham gia tích cực vào hoạt động khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm thực hành ở trường mầm non để kích thích phát triển tư duy, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội cho trẻ. Nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới phương pháp giảng dạy đề cao tinh thần giáo dục lấy trẻ làm trung tâm qua các hoạt động trải nghiệm.

        Mục tiêu cụ thể: 95% trẻ hứng thú tích cực tham gia vào hoạt động khám phá khoa học theo hướng thực hành trải nghiệm ở trường mầm non.

– Nội dung giải pháp:

        Giải pháp 1: Xây dựng kế hoạch giáo dục theo hướng trải nghiệm sao cho hấp dẫn trẻ.

        Để thực hiện một hoạt động có hiệu quả và phát huy tối đa tính tích cực của trẻ thì ngay từ khâu đầu tiên phải phụ thuộc vào người giáo viên có ý tưởng và đặt mục tiêu, nội dung như thế nào để xây dựng được một kế hoạch giáo dục mang tính khoa học và thực tiễn vừa áp dụng các phương pháp mới vừa phải phù hợp với đặc điểm nhận thức của trẻ lớp mình tại đơn vị. Hiểu được vai trò tiền đề của mình bản thân em ngay từ đầu năm đã tìm hiểu kỹ càng các tài liệu, lý luận để thực hiện để tài thông qua các quyển sách như: “Tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ ở trường mầm non” (2021) và quyển “giáo trình lý luận và phương pháp hướng dẫn trẻ làm quen với môi trường xung quanh” (2008) của cô Hoàng Thị Phương (chủ biên) để tham khảo làm cơ sở lý luận cho việc lập kế hoạch cũng như triển khai các bước tiếp theo để tổ chức thực hiện hoạt động khám phá trải nghiệm cho trẻ.

       Giải pháp 2: Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm theo hướng trải nghiệm.

       Khi lập kế hoạch xong thì bước tiếp theo cần chuẩn bị là thiết lập xây dựng môi trường giáo dục tương ứng với kế hoạch để tạo điều kiện vật chất từ trong ra ngoài lớp để kích thích trẻ khám phá trải nghiệm. Để nhấn mạnh vai trò làm trung tâm của trẻ tôi cho trẻ cùng tham gia vào quá trình chuẩn bị này mục đích nhằm kích thích sự tò mò và quan tâm của trẻ về những gì sắp diễn ra, đánh thức tinh thần trách nhiệm và tính tự lập của trẻ, phát triển kỹ năng làm việc nhóm, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi, học liệu một cách khoa học. Chẳng hạn tôi bàn với trẻ về chủ đề “nước và hiện tượng tự nhiên” chúng ra sẽ có một thí nghiệm “nước cầu vồng” tôi chia sẽ với trẻ “về nguyên liệu chúng ta cần có những chiếc ly/ cốc nhựa để đựng các loại nước đủ màu, cần một cái chai nhựa trong suốt để có thể nhìn thấy màu của nước trong chai. Vậy để học được thí nghiệm này, các con hãy về nhà sưu tầm và tự chuẩn bị cho mình nhé, rồi hôm sau cô trò mình sẽ cùng khám phá và thực hiện được không nào?.Trẻ nghe cô bàn bạc vậy rất hào hứng tò mò về thí nghiệm/bài học mới và rất tích cực tìm các nguyên liệu đồ dùng chuẩn bị cho hoạt động ngày mai cùng cô. Ngoài ra, việc trang trí các góc đặc biệt là góc học tập tôi và trẻ cùng nhau sưu tầm các nguyên vật liệu để trang bị cho góc đầy đủ các đồ dùng, học liệu (chai, lọ, ca, cốc, màu hữu cơ, đất, cát, sỏi, các loại hạt,…) để kích thích trẻ hứng thú tham gia hoạt động khám phá học tập. Ngoài trời, tôi cùng trẻ trang trí góc chơi với thiên nhiên như cây xanh, hoa lá, cát, sỏi, nước,.. để trẻ có thể khám phá khoa học mọi lúc mọi nơi từ trong ra ngoài lớp.

Giải pháp 3: Sưu tầm các trò chơi thí nghiệm khám phá khoa học mới lạ, đa dạng.

Kiến thức khoa học tự nhiên xã hội là không giới hạn nên giáo viên cần phải không ngừng tìm kiếm, học hỏi, sưu tầm cập nhật liên tục các kiến thức, kỹ năng cũng như các trò chơi thí nghiệm khám phá khoa học cho mới lạ và đa dạng để kích thích trí tò mò ham hiểu biết của trẻ. Vì thế, tôi tìm hiểu qua sách báo, đồng nghiệp, mạng xã hội,…để lựa chọn những trò chơi thí nghiệm nào vừa hấp dẫn vừa dễ làm với nguyên liệu dễ tìm và phù hợp với nhận thức của trẻ để tổ chức thực hiện ở trường Mẫu giáo. Một số trò chơi hấp dẫn mà tôi sưu tầm được như: Thí nghiệm thấm/không thấm, tan/không tan trong nước, trứng nổi trứng chìm, sự đổi màu của bắp cải tím (với nước cốt chanh, nước rửa chén, muối, xà phòng), nước cầu vồng, hạt đậu đen nhảy múa (đậu hoặc màu thực phẩm pha giấm, nước, baking soda), sự phát triển của cây (đậu, lúa, ngô,…), thổi bóng xà phòng, chiếc lọ thần kì, chiếc hộp phát sáng, hoa nở dưới nước (gấp hoa thả vào nước cho giấy thấm nước và nở hoa), vẽ tranh trên nước (dùng viết lông vẽ lên cây muỗng inox thả vào tô nước tranh sẽ tự bung ra trôi trên mặt nước) vắt sữa bò (dùng găng tay y tế đổ nước vo gạo vào buộc lại và đặt dưới hình con bò bằng bìa carton), hoa giấy đổi màu (cắt hoa bằng khăn giấy và nhún vào màu nước), sự truyền nước của vải sợi, (chậu cây trong đất cách thuỷ nối một sợi dây vải xuống nước), núi lửa phun trào (nước rửa chén, màu nước, giấm ăn, bột soda và mô hình núi lửa),…

Giải pháp 4: Tổ chức các hoạt động khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm trong các hoạt động giáo dục ở trường mầm non.

Khi chuẩn bị tốt về tâm thế và các phương tiện, môi trường thì bước quan trọng nhất chính là khâu tiến hành tổ chức các hoạt động khám phá trải nghiệm cho trẻ trong các hoạt động giáo dục ở trường mẫu giáo theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Xác định chủ đề/ đề tài khám phá trải nghiệm và mục tiêu.

(Ví dụ: Chủ đề nước hiện tượng tự nhiên đề tài “Thí nghiệm lốc xoáy mini” với mục tiêu giúp trẻ hiểu được nguyên nhân tạo nên lốc xoáy và đặc điểm của lốc xoáy).

Bước 2: Trải nghiệm thực tế. (Gây hứng thú tạo hình huống có vấn đề vào bài và tiến hành cho trẻ thực hiện nhiệm vụ của thí nghiệm).

Chẳng hạn: Cho trẻ xem video lốc xoáy xuất hiện trong cơn bão và hệ luỵ của nó. Sau đó đặt câu hỏi gây tò mò: “Lốc xoáy có đặc điểm gì, hình dạng nó như thế nào? Nguyên nhân từ đâu mà có lốc xoáy nhỉ? Bây giờ chúng mình cùng làm một thí nghiệm nhỏ để tìm hiểu về nó nhé các con?” (Sau đó cô chia nhóm và chuẩn bị đồ dùng thí nghiệm cho mỗi nhóm gồm có 1 ly nước, 2 cục nam châm và một ít nước lọc và cô phân công nhiệm vụ, hướng dẫn trẻ thí nghiệm và quan sát).

Bước 3: Hoạt động chia sẽ và rút ra kinh nghiệm/bài học và liên hệ thực tiễn. (Giáo viên đặt câu hỏi cho trẻ chia sẽ kinh nghiệm và giúp trẻ rút ra kinh nghiệm vận dụng vào thực tiễn).

Ví dụ trong lồng ghép trong chủ điểm “Nghề nghiệp” giáo viên giới thiệu nghề nông dân và tổ chức cho trẻ tham quan cánh đồng ruộng cho trẻ quan sát cây lúa để trẻ biết được sự phát triển của cây lúa cũng như sự cực khổ của những người nông dân để tạo ra hạt gạo thì phải trải qua những công việc như thế nào và cho trẻ được tham gia cùng gieo hạt để biết sự nẩy mầm của cây lúa và sự phát triển theo từng giai đoạn để trẻ cảm nhận. Qua buổi tham quan thì giáo viên đặt ra câu hỏi: Con vừa quan sát nghề gì? Con được làm những công việc nào? Con đã làm bằng cách nào? (Cô cho trẻ giải thích, khuyến khích trẻ suy luận và trả lời theo ý kiến góp ý của cả nhóm và sau đó cô chốt lại và rút ra bài học thực tiễn để giáo dục trẻ).

Bước 4: Kết thúc. (Nhận xét tuyên dương).

Giải pháp 5: Phối hợp với phụ huynh.

Để công tác tổ chức các hoạt động khám phá khoa học theo hướng trải nghiệm đạt kết quả cao phát huy tối đa tính tích cực hứng thú của trẻ thì việc phối kết hợp với tất cả các phụ huynh trong lớp là biện pháp đóng vai trò rất quan trọng. Bởi phụ huynh chính là nguồn động lực, điểm tựa vững chắc và đóng vai trò định hướng, khuyến khích, tạo tâm lý tò mò hứng thú khám phá khoa học cho trẻ ở gia đình mọi lúc mọi nơi. Vì thế, tôi tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của phụ huynh đối với việc kích thích trẻ khám phá khoa học để phát triển nhận thức góp phần phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ bằng nhiều hình thức sau: 

* Thông qua giờ đón trả trẻ: Tôi tranh thủ trao đổi với phụ huynh trong giờ đón trả trẻ về sở thích, đặc điểm, tính cách, vốn sống, mức độ phát triển nhận thức của trẻ để nắm bắt được đặc điểm, nhu cầu của trẻ từ đó điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với trẻ qua từng thời điểm.

* Thông qua cuộc gọi điện thoại hoặc mạng xã hội: Ứng dụng zalo, facebook hay gọi điện thoại là cách tôi đã làm để tuyên truyền với phụ huynh về vai trò của họ và hướng dẫn họ những biện pháp tạo hứng thú cho con thích khám phá khoa học mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, tôi còn tự quay video hoặc sưu tầm video của đồng nghiệp, trên mạng về các tiết học/ thí nghiệm thực hành khám phá khoa học cho phụ huynh xem và tham khảo để họ hướng dẫn trẻ thực hành tại nhà.

* Thông qua cuộc họp phụ huynh: Tôi kết nối trao đổi nhiều hơn với các phụ huynh chưa hiểu rõ về vai trò của việc phát triển nhận thức cho trẻ qua hoạt động khám phá khoa học trải nghiệm để họ chủ động quan tâm và liên kết phối hợp với giáo viên nhiều hơn để nuôi dạy trẻ.

* Thông qua bảng tuyên truyền: Tôi trang trí bảng tuyên truyền với phụ huynh những thông tin như: Lịch dạy, nội dung hoạt động khám phá khoa học trải nghiệm trong tuần, trong chủ đề, nội dung những bài thơ, hình ảnh khám phá khoa học trải nghiệm đã đạt được của trẻ để phụ huynh nắm bắt kịp thời phối hợp cùng cô ôn luyện củng cố thêm cho trẻ.