Giải pháp giúp trẻ 4-5 tuổi hứng thú trong tiết hoạt động tạo hình (vẽ) và hình thành khả năng vẽ tốt hơn ở trường Mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận.
Lượt xem:
1. Tình trạng giải pháp đã biết:
Hiện nay, Giáo dục là ngành đang được sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta với quan điểm giáo dục chính là quốc sách hàng đầu đặc biệt là bậc học giáo dục mầm non được thực hiện theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm (giai đoạn 2021-2025). Bên cạnh đó, chúng ta còn đang hướng đến nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Cụ thể, mới đây Sở Giáo dục và đào tạo Kiên Giang vừa ra công văn 1804 về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động chuyên môn đối với giáo dục mầm non định hướng và đề cập đến các phương pháp như: Dạy học theo dự án, steam,… điều đó cho thấy rõ ràng thế hệ trẻ mầm non hiện nay của chúng ta đang được đầu tư quan tâm hết sức đúng mực để bắt kịp xu thế của nền giáo dục hiện đại. Là người trực tiếp nắm giữ vai trò định hướng dẫn dắt tổ chức các hoạt động giáo dục mang tính phát triển toàn diện cho trẻ mầm non tôi hiểu rõ mục tiêu trọng tâm của mình là đem đến sự phát triển toàn diện nhân cách trẻ.
Hoạt động tạo hình (thể loại vẽ) là hoạt động đặc trưng nhất để thể hiện sự phát triển về mặt thẩm mỹ cho trẻ, làm nền tảng để trẻ phát triển nhận thức, kỹ năng sống, tình cảm xã hội, giúp trẻ phản ánh chân thực về hiểu biết ở thế giới xung quanh thông qua tác phẩm tạo hình của trẻ. Thẩm mỹ, tình cảm – kỹ năng xã hội cùng với nhận thức có mối liên hệ mật thiết tác động qua lại với nhau mà thông qua tác phẩm tạo hình trẻ thể hiện rõ nét nhất sự phát triển của chính mình ở đó. Nhận thấy đây là mặt quan trọng ảnh hưởng đầu tiên và tác động lớn đến các mặt phát triển khác của trẻ nên tôi chú trọng nghiên cứu về vấn đề này thông qua đề tài: “Giải pháp giúp trẻ 4-5 tuổi hứng thú trong tiết hoạt động tạo hình (vẽ) và hình thành khả năng vẽ tốt hơn ở trường Mẫu giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận” để thực hiện và tìm ra thực trạng, biện pháp hiệu quả nhất để tác động đến trẻ ở lớp mình đang trực tiếp giảng dạy tại đơn vị.
Giải pháp hướng tới áp dụng đối tượng trẻ 4 – 5 tuổi ở trường Mẫu Giáo Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đồng thời sẽ bắt đầu áp dụng và thu kết quả ban đầu vào năm học 2023 – 2024.
* Ưu điểm:
Trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đảm bảo đầy đủ về cơ sở vật chất, lớp học khang trang, đồ dùng đồ chơi đầy đủ, sân chơi ngoài trời rộng rãi, thoáng mát, có mái che đảm bảo cho công tác giảng dạy trẻ ở mọi địa điểm, mọi hình thức.
Giáo viên dạy lớp được đảm bảo số lượng theo quy định, đạt trình độ từ chuẩn đến trên chuẩn, có tinh thần học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chịu khó tìm tòi học hỏi phương pháp giảng dạy mới.
Đa số được nuôi dạy với điều kiện tốt, trẻ phát triển tốt về thể chất và tinh thần, có nề nếp học tập vui chơi từ lớp mầm, chồi.
* Hạn chế:
Việc xây dựng môi trường còn mang tính khái quát, chưa có chiều sâu cũng như chưa có nhiều nội dung kích thích hứng thú tạo hình (vẽ) cho trẻ. Trẻ chưa có điều kiện tham gia vào công tác xây dựng môi trường học tập tạo hình ở trường, lớp.
Trẻ chưa có kỹ năng vẽ bố cục cho hợp lý và chưa biết cách sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tạo hình một cách hiệu quả, sáng tạo.
Trẻ chưa có nhiều cơ hội được giao lưu, học tập, trải nghiệm các hoạt động tạo hình thông qua nhiều hình thức tổ chức đa dạng như hội thi, giao lưu học tập, triển lãm,…
Một số phụ huynh chưa coi trọng tầm quan trọng của hoạt động tạo hình (vẽ), chưa hiểu ý nghĩa vai trò của hoạt động tạo hình (vẽ) đối với sự phát triển của trẻ nên xem nhẹ việc tạo hứng thú cho con học tập tạo hình, thiếu sự kết nối với giáo viên.
Từ thực trạng và những hạn chế trên tại đơn vị, tôi đã mạnh dạn đề ra những giải pháp khắc phục tương ứng như sau:
2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến:
2.1 Mục đích của giải pháp:
+ Mục tiêu chung: Đề tài thực hiện nhằm đánh giá đúng thực trạng của vấn đề và đề ra các giải pháp khắc phục hiệu quả phù hợp nhằm gây hứng thú tích cực cho trẻ khi tham gia hoạt động tạo hình. Mặc khác, rèn cho trẻ một số kỹ năng tạo hình thông qua hoạt động vẽ.
+ Mục tiêu cụ thể:90% trẻ hứng thú tích cực tham gia hoạt động tạo hình và có kỹ năng thực hiện sản phẩm tạo hình (vẽ) tốt, sáng tạo.
2.2 Nội dung giải pháp:
2.2.1 Nội dung giải pháp chính
– Giải pháp 1: Xây dựng môi trường kích thích hứng thú tạo hình (vẽ) cho trẻ. Tạo điều kiện cho trẻ tham gia tối đa vào công tác xây dựng môi trường.
– Giải pháp 2: Hướng dẫn, gợi ý cho trẻ cách vẽ bố cục hợp lý và sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tạo hình một cách hợp lý, sáng tạo.
– Giải pháp 3: Tổ chức các hội thi, các buổi giao lưu học tập, triển lãm tranh cho trẻ có cơ hội thể hiện hết khả năng tạo hình (vẽ) sáng tạo qua tác phẩm dự thi.
– Giải pháp 4: Phối hợp với phụ huynh.
3. Khả năng áp dụng của giải pháp:
Các giải pháp này tôi áp dụng có hiệu quả cao tại lớp chồi 2 trường Mẫu Giáo Bình Minh. Đây là các biện pháp dễ thực hiện nhưng lại vô cùng hiệu quả đã áp dụng ở tất cả các trường mầm non khác trên địa bàn huyện.